Bài viết chia sẻ 13 công thức làm các món muối chua ngọt, giòn ngon và cách bảo quản để không bị hư. Cùng bắt tay vào làm nhé !

Sponsor

1. Dưa leo dầm mắm chua giòn

Dưa leo dầm mắm chua giòn

Cách làm dưa leo dầm mắm chua giòn:

  • Một kg dưa leo rửa sạch, bỏ ruột, cắt xéo, ngâm với 50gr muối hạt trong 2h.
  • Vớt dưa ra rửa sạch nhiều lần cho bớt mặn, để ráo. Ngâm tiếp số dưa đó trong thau nước đá trong 30 phút. Vớt ra để thật ráo nước.
  • Nấu một lưng bát nước mắm và một chén đường vàng, đợi sôi tan đường, tắt bếp để thật nguội
  • Vớt dưa leo bỏ hũ, cho thêm tỏi cắt khoanh, ớt cắt vào.
  • Đổ hỗn hợp nước mắm đường vào hũ dưa, sao cho ngập. Dùng vật nặng chèn lại cho dưa ngập mắm. Bảo quản tủ mát, sau một ngày có thể ăn được.
  • Món dưa mắm ăn sống cũng ngon, chế biến xào chung với tôm thịt cũng ngon. Nếu xào thì bỏ dưa vào sau cùng và chỉ nên đảo vài vòng trước khi tắt bếp, tránh dưa bị mềm. Thịt rang dưa mắm, ăn kèm canh khoai mỡ rất hợp.

2. Cà pháo cay ngọt

Cà pháo cay ngọt

Nguyên liệu:

  • 1 kg cà pháo, 1/2 kg muối
  • 1 củ riềng, 1 củ gừng, 200 g ớt xay, 1 củ tỏi
  • Đường cát, nước mắm

Cách làm cà pháo cay ngọt:

  • Cà pháo mua về gọt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước. Đun sôi khoảng 1 lít nước, cho muối vào hòa tan. Tỏi đập dập cho vào cùng.
  • Cho cà pháo vào hũ thủy tinh, chế nước muối đã nguội vào ngập mặt cà, đậy kín nắp lại trong khoảng 7 ngày là được.
  • Cà pháo sau khi ngâm lấy ra rửa lại với nước ấm, thái đôi để làm mắm cà.
  • Gừng, riềng gọt vỏ, thái sợi.
  • Cho 300 ml nước lọc, 1 thìa canh nước mắm, 200 g đường cát rồi đun sôi.
  • Nước mắm đường để nguội, cho gừng, riềng, ớt xay vào trộn đều.
  • Tiếp đến cho cà vào trộn thật đều.
  • Cho cà vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín lại trong khoảng 1 ngày cho thấm gia vị.

3. Sung muối xổi

Sung muối xổi

Cách làm sung muối xổi:

  • Sung cắt bỏ núm, thái lát tròn mỏng vừa, thả vào chậu nước lã có pha chút dấm hoặc nước cốt chanh, rửa lại bằng nước sạch, tráng qua nước sôi để nguội, để ráo
  • Cho vào tô, đeo găng tay nilon vào và trộn đều cùng tỏi, ớt bằm và gia vị theo tỉ lệ 1 đường: 3-4 dấm trắng : 1/3-1/2 bột canh. Độ chua, cay, mặn, ngọt có thể thêm hay bớt tuỳ theo khẩu vị. Thưởng thức

4. Dưa muối và hành muối

Dưa muối và hành muối

1. Làm dưa muối

Nguyên liệu:

  • 1,5 kg cải bẹ.
  • 1,5 lít nước đun sôi để ấm.
  • 75g muối ( 1/2 dl )
  • 25g đường ( 15 ml= 1 matsked ) ( mình dùng đường vàng có ảnh ở phần cmt)
  • 15 ml dấm.
  • Hành hoa cắt khúc
  • Ớt
  • Cà rốt, su hào tỉa hoa thái khúc cho đẹp

Cách thực hiện:

  • Chọn cải có bẹ lớn, sau đó phơi nắng 1 ngày cho héo.
  • Rửa sạch cắt khúc khoảng 4-5 cm rồi tráng lại bằng nước đun sôi để nguội, để ráo nước.
  • Đun 1,5 lít nước sôi để nguội còn ấm ấm, hoà tan muối đường dấm.
  • Khi cải ráo nước xếp vào lọ thuỷ tinh đã rửa sạch tráng nước sôi. Đổ nước ấm đã pha muối đường và dấm vào. Nén chặt dưa cho toàn bộ dưa ngập trong nước để gần bếp hoặc phơi trong nắng vừa ( không nắng gắt) vài hôm là được ăn. Khi dưa đã chua cất vào tủ lạnh ăn dần.

2. Làm hành muối

Nguyên liệu:

  • 1,5 kg hành củ ( mình chọn hành trắng đỡ hăng và nhìn đẹp mắt hơn hành tím).
  • 1,5 lít nước.
  • 75g muối
  • 20 g dường
  • 2 thìa canh dấm
  • Ớt, cà rốt tỉa hoa.

Cách làm hành muối:

  • Hành chọn củ vừa đều.
  • Ngâm hành với nước vo gạo qua đêm cho bớt hăng và lớp vỏ già bên ngoài bong ra.
  • Sáng hôm sau bỏ ra rắc khoảng 3 thìa muối vào trộn đều ( muối khô) để như vậy để đến tối bỏ ra nhặt bỏ lớp vỏ hành già cắt sơ qua rễ, đừng cắt sát phần gốc quá khi muối hành dễ bị ủng, nhũn.
  • Rửa sạch hành để ráo ngâm 1 lần nữa nước gạo với 2-3 thìa muối qua 1-2 đêm cho bớt hăng. Sau đó nhặt sạch lại 1 lần nữa vỏ và rễ hành rồi xả lại thật sạch với nước sôi để nguội. Khi hành ráo nước xếp hành vào lọ thuỷ tinh đã rửa sạch tráng nước sôi. Chèn phỉa trên thật chặt ( nếu ở VN mua mía chẻ ra để chèn)
  • Đun nước, muối, đường, dấm sôi rồi để nguội hơi âm ấm 1 chút sau đó đổ ngập hành ko để hành nổi lên dễ úng, hỏng.
  • Sau khoảng 8-10 ngày là đc ăn được.

5. Dưa góp

Dưa góp

Nguyên liệu

  • 1 củ cà rốt
  • 1 củ su hào
  • 2 quả dưa chuột
  • 6,7 nhánh tỏi
  • 2,3 quả ớt cay

Cách làm dưa góp

  • Dưa chuột bổ đôi, bỏ ruột, su hào cà rốt rửa sạch sau đó dùng dao có hình răng cưa cắt tất cả thành hình sao cho đẹp mắt, trộn với 2 thìa cà phê muối tinh, ướp trong 15 phút, đổ bỏ phần nước tiết ra để rau củ được giòn hơn.
  • Pha nước ngâm dưa góp: Pha theo tỉ lệ 1:1, 1 bát giấm, 1 bát đường, 1 bát nước mắm, 1 bát nước trắng, đun sôi phần hỗn hợp này, thêm tỏi đập dập hoặc thái lát. Đợi hỗn hợp nguội hẳn thì thái ớt thêm vào (tuỳ độ cay của mỗi gia đình mà cho vừa khẩu vị)
  • Chuẩn bị bình thuỷ tinh, tráng nước sôi già, để bình được khô ráo. Xếp tất cả dưa chuột, cà rốt, su hào vào bình. Đổ hết phần hỗn hợp ngâm vào, đậy lắp, sau 1 ngày là ăn được. Nếu muốn để lâu thì sau một ngày cho dưa góp vào ngăn mát tủ lạnh ăn dần.

6. Dưa muối tổng hợp (cà rốt, su hào, súp lơ, dưa chuột)

Dưa muối tổng hợp

Nguyên liệu:

  • 1 nửa cái súp lơ trắng (nhỏ 1 cái,to nửa cái)
  • 1 củ su hào
  • 2 củ cà rốt
  • 2 quả dưa chuột
  • 5-7 tép tỏi
  • Hành củ tím: 10 củ nhỏ
  • 1 nhánh gừng
  • 1/2 bát ăn cơm nước vo gạo
  • 3-4 quả ớt cay (tuỳ độ ăn cay mà gia giảm)
  • Gia vị: đường,muối,nước đun sôi để nguội khoảng 1,5l
  • Bình thuỷ tinh ngâm dưa góp

Cách làm dưa muối tổng hợp:

  • Su hào gọt vỏ thái sợi dầy khoảng 1cm
  • Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa cắt mỏng 0,5cm hoặc thái sợi như su hào dầy 1cm, dài 7-8 cm.
  • Dưa chuột rửa sạch, ngâm nước muối 15p vớt ra để ráo, bỏ ruột cắt miếng vừa ăn cũng dầy khoảng 1cm.
  • Súp lơ bỏ cuống thái lát mỏng
  • Đổ tất cả các nguyên liệu: súp lơ, cà rốt, dưa chuột, su hào vào một cái chật to, rắc vào 2 thìa canh muối, trộn đều để như vậy trong 30p.
  • Pha hỗn hợp ngâm: 1,5l nước đun sôi để nguội+ 4 thìa canh đường+ 2 thìa canh muối+ 1/2 bát con nước vo gạo ( nước vo gạo lấy nước vo của lần vo thứ 3 các bạn có thể cho nước đun sôi để nguội vào vo ở lần này hoặc cho hẳn nước sôi vào tráng để lấy 1/2 bát con ăn cơm nhé) khuấy cho tan đường và muối.
  • Tỏi thái lát mỏng
  • Ớt để cả quả hoặc cắt lát (mình chỉ cắt lát 1-2 quả,còn lại để nguyên quả cho vào bình trang trí,cái này cũng tuỳ độ cay để mọi người làm nhé)
  • Hành khô tím,bóc vỏ bổ làm đôi.
  • Gừng gọt vỏ thái miếng mỏng
  • Bình thuỷ tinh hoặc nhựa rửa sạch,tráng qua một lần nước sôi để thật khô.
  • Dưa góp sau khi ngâm muối được 30p,chắt hết phần nước củ quả tiết ra,có thể rửa qua lại một nước. Để thật ráo nước, đem phơi qua một nắng hoặc cho vào lò sấy hơi héo. Không muốn hai cách trên thì mọi người cũng có thể đem muối luôn.
  • Xếp rau củ quả vào lọ, xem kẽ ớt, tỏi, gừng, hành khô lần lượt đến hết rồi đổ nước ngập rau củ quả, đậy lắp kín sau 2 ngày ăn được, ăn không hết để ngăn mát tủ lạnh được khoảng 1 tuần (nhớ đổ nước ngập hết rau củ nha mọi người khi đó không cần phải nén nữa, sau một ngày có thể ăn được rồi mình cẩn thận nên cứ để sau 2-3 ngày nên cái này mọi người tự tuỳ cơ ứng biến nhé)

7. Cà pháo ngâm

Cà pháo ngâm

Nguyên liệu:

  • 1 kg cà pháo tươi
  • 2-3 củ tỏi
  • 5-7 quả ớt
  • gừng
  • muối
  • đường

Cách làm cà pháo ngâm:

  • Đầu tiên, bạn cần phơi cà héo trong 2 tiếng hoặc nửa ngày. Để cà pháo giòn, bạn đem phơi ngoài nắng tầm 2 tiếng cho cà héo, sau đó cắt bỏ cuống và ngâm trong nước muối để đào thải hết chất độc. Bạn tiếp tục rửa sạch cà, để ráo nước, chuẩn bị gia vị ướp gồm tỏi, ớt, gừng đập dập, thái nhỏ.
  • Bạn pha nước ngâm cà pháo gồm 1 lít nước sạch, 3 muỗng muối, 1 muỗng đường, đun sôi để nguội. Nếu muốn cà nhanh chua, bạn thêm một muỗng nước mắm vào hỗn hợp nước đã pha. Tiếp theo, xếp muối, tỏi, gừng, cà pháo vào hũ. Bạn rải 1 lớp muối, tỏi đập dập xuống dưới đáy hũ rồi xếp 1 lớp cà lên. Tiếp tục xếp theo thứ tự cho đến khi hết cà thì đổ dung dịch nước đã nấu vào hũ sao cho nước ngập hết mặt cà. Bạn sử dụng túi nước, đĩa nhỏ để đè cho cà không nổi lên trên mặt nước.
  • Sau khi muối khoảng 2-3 ngày thì độ chua của cà pháo đạt chuẩn, bạn có thể ăn cùng nước mắm ớt tỏi, mắm ruốc, mắm tôm. Bạn lưu ý là nên muối khoảng 1 kg cà pháo, nếu muối quá nhiều sẽ không ăn kịp, để lâu nước cà nổi váng trắng, vị mất ngon và cà bị thâm.

8. Sấu ngâm mắm ớt tỏi

Sấu ngâm mắm ớt tỏi

Nguyên Liệu:

  • Sấu non: 1kg
  • Nước mắm: 750ml
  • Đường: 1 muỗng canh lớn
  • Dấm: 1 muỗng canh lớn
  • Muối trắng: 1 thìa lớn
  • Ớt chín: 10 quả
  • Tỏi: 3 củ

Cách làm sấu ngâm mắm ớt tỏi:

  • Sấu cạo sạch vỏ, bổ đôi, rửa sạch để ráo nước
  • Cho muối trắng vào 1l nước trắng rồi đổ sấu vào ngâm khoảng 8 tiếng rồi vớt ra rửa lại với nước sạch, để ráo nước
  • Cho sấu, đường, tỏi, ớt, dấm vào cùng 1 chiếc bát, trộn đều để khoảng 20 phút cho ngấm gia vị
  • Vớt sấu, tỏi, ớt vào 1 chiếc lọ, đổ mắm vào đậy kín, để tủ lạnh. Sau 4 ngày có thể ăn được rồi.
  • Sấu ngâm mắm tỏi ớt có màu xanh đẹp mắt, vị đậm đà, chua chua, cay cay, có khả năng kích thích vị giác rất cao giúp bạn cảm thấy ngon miệng. Món sấu ngâm mắm ớt này có thể ăn kèm với các món rau luộc, nước sấu ngâm mắm ớt dùng để chấm, quả sấu ăn với cơm chan canh vô cùng hấp dẫn.

9. Dưa bắp cải

Dưa bắp cải

Nguyên liệu:

  • 1 bắp cải thật xanh, tươi
  • Lọ, hũ thủy tinh dung tích khoảng 5 – 7 lít, miệng rộng, có nắp đậy, rửa sạch, để ráo. Vài nan tre mỏng hoặc dĩa sứ nặng có thể bỏ lọt vào hũ.
  • 1 bó rau cần
  • 1 bó rau răm
  • 1 củ tỏi

Cách làm dưa bắp cải:

  • Bắp cải gỡ từng lá, rửa sạch, xắt sợi, để ráo.
  • Rau cần rửa sạch, cắt khúc.
  • Tỏi giã dập. Rau răm rửa sạch, cắt vừa.
  • Nấu sôi 2 lít nước với 50gr muối bột, 100gr đường, 1/2 chén giấm. Nấu tan muối, đường rồi để mở vung cho mùi dấm bay hơi bớt, nước nguội bớt nhưng vẫn còn nóng già. Mình dùng giấm táo nên nước hơi có màu đỏ một chút.
  • Trộn đều bắp cải, rau cần, rau răm, tỏi rồi cho vào lọ thủy tinh, nén nhẹ nhàng, đừng nén chặt quá nước muối sẽ khó thấm đều vào dưa. Gài vài nan tre ngang mặt dưa sao cho khi châm nước vào dưa sẽ không nổi lên trên; bạn cũng có thể dùng một dĩa sứ nặng đè trên mặt dưa.
  • Châm hỗn hợp nước giấm còn nóng già vào hũ dưa, dưa sẽ dịu xuống nhanh, bạn đậy kín hũ dưa lại, cất nơi thoáng mát. Để qua một ngày là dưa bắt đầu chua, ngày thứ hai dưa vẫn còn nồng nhưng có thể dùng ăn kèm vài món ăn tùy khẩu vị.
  • Mỗi khi lấy dưa ra ăn, luôn nhấn chìm phần dưa còn lại trong hũ dưới mặt nước muối.
  • Sau khi ăn hết dưa, nếu muốn làm ngày một hũ khác thì bạn giữ lại một ít nước muối cũ, sau khi làm hũ dưa mới và châm nước muối mới vào thì cho thêm chừng 1 chén nước muối cũ, thời gian dưa chua sẽ nhanh hơn.

10. Kim chi cải thảo

Kim chi cải thảo

Nguyên liệu chuẩn bị làm Kim Chi cải thảo:

  • 3kg cải thảo, 1 củ cải, 2 -3 củ cà rốt
  • 1 củ hành tây, 3 cây tỏi tây, 5 cây hành củ, 1 ít hẹ, gừng, tỏi ta
  • 1 quả táo vừa hoặc 1 quả lê
  • 1 chén bột nếp (chén dùng để uống café)
  • Muối hạt, 1 chén nước mắm, 1 chén đường (cũng đong bằng chén dùng để uống cafe), 3 lạng ớt bột Hàn Quốc

Bắt đầu làm Kim Chi:

Bước 1:

  • Để làm kim chi ngon, trước tiên bạn cần sơ chế nguyên liệu thật chuẩn nhé! Cải thảo có thể để cả cây hoặc bổ làm đôi. Tuy nhiên nếu làm kim chi để gia đình ăn thì mình tách ra thành từng tàu lá sẽ tiện hơn cho việc rửa sạch.
  • Củ cải bào sợi to.
  • Cà rốt cũng bào sợi to.

Bước 2:

  • Nếu bạn để nguyên cây cải thảo để làm kim chi thì sau khi rửa đem muối hạt rắc vào từng tàu lá ngâm trong 2 – 3 tiếng cho đến khi cải mềm.
  • Với những lá đã tách bạn chẻ đôi và cắt khúc chừng 4 – 5cm, trộn với muối hạt. Cứ 3kg cải thảo thì dùng chừng 3 lạng muối bạn nhé!
  • Củ cải và cà rốt cũng trộn với muối.

Bước 3:

  • Sau khi cải mềm thì đem rửa lại 2 – 3 lần với nước sạch.
  • Để cải vào rổ cho ráo nước, có thể vắt nhẹ. Làm tương tự với củ cải và cà rốt.

Bước 4:

  • Dùng 1 chén bột nếp pha với khoảng 3 chén nước.
  • Cho vào nồi, khuấy trên bếp nhỏ lửa đến khi gần được thì thêm 1 chén đường vào khuấy cùng, đến khi bột hơi trong như bột trẻ em thì tắt bếp.

Bước 5:

  • Hành củ, tỏi tây, hẹ đem cắt khúc 2 – 3cm, riêng phần củ trắng thái mỏng.
  • Bột nếp để nguội rồi trộn với hành, tỏi tây

Bước 6:

  • Tỏi ta, gừng, táo, hành tây thái nhỏ.
  • Đong 1 chén nước mắm.
  • Cho tỏi ta, gừng, táo, hành tây vào cối xay chung cùng chén nước mắm.

Bước 7:

  • Trộn hỗn hợp hành tỏi vừa xay, ớt bột vào bột nếp, khuấy đều.

Bước 8:

  • Lấy hỗn hợp vừa trộn xoa vào từng tàu lá của cây cải thảo.
  • Với cải đã cắt thì trộn đều hết củ cải, cà rốt, cải thảo cùng hỗn hợp vừa làm ở trên.
  • Cho vào hộp để 2 – 3 ngày là có thể dùng được
  • Với phần kim chi muối cả nguyên cây cải thảo thì khi ăn bạn đem cắt khúc rồi bày ra đĩa. Khi làm kim chi để gia đình ăn mình thường cắt cải thảo bé ngay từ đầu để khi rửa sạch hơn mà khi ăn không phải dùng dao thớt lần nữa.

11. Kim chi dưa leo

Kim chi dưa leo
Sponsor
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Nguyên liệu:

  • 6-7 trái dưa leo (chọn quả dưa ngắn, tươi non).
  • 4 chén nước + 4 muỗng canh muối ăn
  • 1 nhúm lá hẹ xắt nhỏ.
  • 1/2 củ hành tây xắt mỏng
  • 2 chén củ cải Hàn Quốc xắt sợi mỏng (có thể thay thế bằng củ cải trắng).
  • 6 con tôm nhỏ đã lột vỏ
  • 2 muỗng canh cơm nguội
  • 1 miếng gừng đã gọt vỏ rửa sạch + 3 tép tỏi
  • 1 muỗng canh đường + 1/3 chén ớt bột Hàn Quốc + 4 muỗng canh nước mắm ngon + 1/4 chén nước.

Cách làm kim chi dưa chuột đúng chất Hàn Quốc:

  • Bước 1: Cắt bỏ hai đầu núm rồi bổ quả dưa leo làm đôi. Dùng dao xẻ dọc quả dưa thành hình chữ thập. Lưu ý không cắt rời mà nên chừa khoảng 1cm để có thể nhồi nhân vào giữa, cũng như cần thao tác cẩn thận tránh miếng dưa bị đứt lìa ra. Cũng có thể để nguyên quả nếu dưa ngắn, hoặc cắt thành từng khúc dài khoảng 3 – 4cm.
  • Bước 2: Cho ít muối vào nồi nước sạch, sau đó đun sôi và đổ phần nước sôi này vào thau đựng dưa. Ngâm dưa trong nước nóng khoảng 45 phút để dưa mau ngấm và vẫn giữ được độ giòn sau khi chế biến.
  • Bước 3: Trộn 1/4 chén nước cùng với tôm, cơm nguội, tỏi, gừng vào máy xay sinh tố và xay nghiền cho thật nhuyễn.
  • Bước 4: Chế biến nhân kim chi bằng cách cho củ cải, hành tây, hẹ, ớt bột, nước mắm, đường vào một tô lớn rồi trộn đều tay. Cho hỗn hợp vừa xay nhuyễn vào trộn đều tới khi ớt lên màu đỏ đẹp và gia vị thấm sâu vào nhân.
  • Bước 5: Sau khi ngâm 45 phút, rửa sơ dưa lại với nước lạnh, vớt dưa ra và xếp lên khăn giấy cho ráo nước. Nhẹ nhàng tách dưa ra, bỏ nhân vừa trộn vào giữa. Bôi các kẽ đã chẻ của quả dưa cho thấm đều gia vị. Tiếp tục phết đều phần nhân ra ngoài quả dưa. Làm lần lượt với toàn bộ số dưa đã chuẩn bị.
  • Bước 6: Xếp dưa vào trong hộp đậy nắp lại và cho vào tủ lạnh. Nếu muốn dưa nhanh chua, nên để bên ngoài khoảng 3 tiếng đồng hồ trước khi đặt vào tủ lạnh. Chỉ khoảng sau 1 ngày chế biến là món kim chi dưa leo đã có thể dùng được.

12. Dưa giá

Dưa giá

Nguyên liệu:

  • Giá
  • Hẹ
  • Đầu trắng của hành lá ( không có cũng được)
  • Hành tím, cà rốt và ớt sừng đỏ.

Cách làm dưa giá:

  • Hẹ, hành tím, cà rốt, ớt thái như hình. Pha đường và muối tỉ lệ 6:1 muỗng ăn cơm) Với 2 lít nước ấm sau cho giấm vào. Nếu bạn muốn dưa giá muối tối hôm trước và ăn trong chiều ngày hôm sau thì cho giấm chua một chút, nếm có vị ngot, ít mặn và chua.
  • Sắp giá vào hũ, cho nước pha (vẫn còn nóng ấm, nếu nguội thì đun lai), đổ ngập mặt giá, dùng vật gì đặt len trên cho giá luôn chìm trong nước.
  • Dưa giá muối chua chứ không mặn, nên tỉ lệ muối cho rất ít. Bạn có thể gia giảm theo của bạn, không nhất thiết phải y trang như vậy. Cái chính là nếm có chua và ngọt , chút xíu mặn là được. Muốn giữ lâu ăn vài ngày thì khi giá đã ăn được tớ cho vào lọ thủy tinh kín để trong tủ lạnh.

13. Muối hành tím kiểu miền Nam

Muối hành tím kiểu miền Nam

Nguyên liệu:

  • 700gr hành củ tím
  • 600gr khế chua (chọn khế chín cho nhiều nước)
  • 200gr muối hạt
  • Muối tinh 1/2 thìa cà phê muối tinh.
  • 200gr đường cát trắng
  • 1 chai giấm trắng
  • Lọ thuỷ tinh để muối hành.

Cách muối hành tím:

  • Hành tím lột vỏ, cắt bỏ rễ. Khế chua rửa sạch lau khô từng quả, thái lát mỏng,vắt lấy nước, phần bã để riêng, nếu khó vắt thì cho vào máy xay qua để dễ vắt nước hơn.
  • Chuẩn bị một cái hộp nhựa to hoặc bát to, xếp một lớp hành, một lớp muối hột, lần lượt cho đến hết. Sau đó đổ hết phần nước khế vào cho ngập xăm xấp, rắc bã khế lên trên cùng, đậy lắp lại để 1 ngày, 1 đêm thỉnh thoảng mở ra đảo đều cho nước khế ngấm vào hành.
  • Sau một ngày, vớt hành ra rửa qua hai lần giấm (lấy một cái bát đổ một lượng giấm vào, thả vài củ hành vào rửa lần lượt cho đến hết, sau đó đổ phần giấm vừa rửa đi thay bằng một phần giấm mới và cho hành vào tráng lại là xong). Đổ hành ra cái rổ cho ráo.
  • Đun 300ml giấm với 250gr đường cát trắng, thêm 1/2 thìa cà phê muối tinh, đun cho tan đường và muối rồi để nguội.
  • Lọ thuỷ tinh muối hành rửa sạch, tráng nước sôi để thật khô ráo. Xếp hành vào hũ thuỷ tinh, đổ phần hỗn hợp đã đun vào, lấy vật nặng chèn lên trên hũ hành, đậy kín sau 4-5 ngày là ăn được. Vì muối bằng dấm hành chua nhanh nên sau khi hành ăn được phải vớt hết hành muối ra một hộp nhựa, đậy kín để tủ lạnh ăn dần.
Bạn thấy bài này hay không?
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Share.
Yêu Ẩm Thực

http://yeuamthuc.org/

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
wpDiscuz