Củ kiệu chua ngọt là món ngon ngày tết không thể thiếu ở nhiều gia đình Việt Nam. Hãy cùng xem qua cách làm củ kiệu chua ngọt ngon và đơn giản ngay sau đây nhé!
Củ kiệu – món ngon ngày Tết hấp dẫn
Củ kiệu chua chua ngọt ngọt không phải là món ăn xa lạ của người Việt Nam. Tuy nhiên, ở mỗi nơi sẽ có nhiều cách chế biến khác nhau. Dù chế biến thế nào thì món ngon ngày tết này vẫn cần đảm bảo vị chua, ngọt vừa phải cùng độ giòn để kết hợp ăn với cơm, bánh chưng, bánh tét,… giúp trung hòa vị giác tuyệt vời.
Hơn thế nữa, cứ nhắc đến tết thì người ta không thể nào quên củ kiệu. Hương vị chua ngon của nó cùng những món ngon khác đã giúp nhà nhà có cái tết ấm cúng, hạnh phúc trọn vẹn không thể nào quên.
Vậy thì còn chờ gì mà không mau tìm hiểu cách làm củ kiệu chua ngọt tại nhà vừa giòn vừa ngon ngay sau đây nhé!
Nguyên liệu làm củ kiệu
- Củ kiệu: 500-600gram, chọn củ kiệu cỡ vừa, kích thước khá tương xứng nhau cho đẹp;
- Tro bếp: Một nhúm vừa tay;
- Nước sạch: khoảng 2,5 lít;
- Muối hột hoặc muối bọt: Một ít;
- Đường cát: 1kg + một ít muối;
- Giấm trắng: 400gram, đường cát: 1 muỗng canh, muối: một ít (ít hơn giấm và đường);
- Phèn chua: 100gram;
Cách làm củ kiệu chua ngọt ngon tại nhà
Sơ chế củ kiệu
Củ kiệu mua về mang ngâm với tro hoặc muối có hòa với nước. Nếu ngâm với nước tro thì qua đêm còn ngâm với nước muối thì thời gian ít hơn để củ kiệu không bị mặn. Bước này giúp kiệu được sạch cát, đất hơn.
Sau đó, vớt kiệu ra cho ráo nước, bắt đầu tiến hành cắt bỏ bớt rễ và ngọn (còn gọi là khúc đuôi màu xanh lá). Chú ý, cắt phần rễ đừng cắt sát quá sẽ khiến nước thấm vào làm củ kiệu mất đi độ giòn. Bạn tiếp tục cho ngâm với nước muối hoặc nước đá hoặc nước pha phèn chua để chúng được giòn hơn.
Phơi củ kiệu
Ngâm kiệu một chút khoảng 10 phút, bạn vớt ra, xả lại nhiều nước cho sạch hết muối rồi đem phơi nắng một ngày cho kiệu hơi héo. Có thể phơi thêm một nắng nếu thấy kiệu chưa héo vừa ý.
Sau khi phơi xong, bạn rửa lại với nước giấm, lột bớt rễ thừa và màng cho kiệu đẹp hơn.
Ướp củ kiệu
Bắt đầu ướp kiệu, bạn lấy một lọ nhựa hay thủy tinh, cứ xếp một lớp kiệu thì có một lớp đường cát chồng lên, làm như thế cho đầy lọ. Chú ý xếp lớp đường ở đáy lọ nhé!
Pha nước ngâm kiệu
Bạn đun sôi giấm, hòa vào đường, một ít muối. Khi hỗn hợp này nguội, cho vào các lọ kiệu bạn đã xếp sẵn, đậy kín nắp lọ.
Cách trình bày và thưởng thức củ kiệu chua ngọt
Kiệu đã ngâm nước đường – giấm, bạn đợi khoảng 10 – 15 ngày là có thể dùng được. Nếu chọn lọ thủy tinh có kiểu dáng đẹp thì hũ kiệu của bạn sẽ càng bắt mắt hơn.
Các bạn hoàn toàn có thể dùng củ kiệu chua ngọt với nhiều món ngon ngày Tết khác như ăn với cơm cùng thịt kho tàu, ăn với bánh tét, lạp xưởng,…
Yêu cầu thành phẩm của món củ kiệu chua ngọt
Củ kiệu được chế biến thành công là khi có vị chua chua, ngọt ngọt, không còn hăng, còn một chút vị hơi đắng nhưng chỉ nhẹ trên đầu lưỡi và đặc biệt là giòn giòn tự nhiên chứ không giòn cứng như sử dụng hàn the. Màu của củ kiệu là màu trắng đục hấp dẫn.
Vài mẹo để làm củ kiệu chua ngọt ngon
- Chú ý khâu chọn lựa củ kiệu, nên chọn củ to vừa, đừng bé quá sẽ dễ bị nhỏ lại khi để lâu ngày hoặc to quá thì khó ngấm gia vị;
- Khi rửa với muối, hãy cân nhắc thời gian vừa phải vì có thể sẽ làm củ kiệu bị mặn nhé!
Hy vọng với cách làm củ kiệu chua ngọt tại nhà trên đây sẽ giúp bạn có một gian bếp ấm cúng dịp xuân về cho cả nhà năm mới ấm áp, trọn vẹn.