Có rất nhiều loại chè được chế biến với cách làm khác nhau, mỗi loại chè mang đặc sản vùng miền, vị ngon khác nhau. Dưới đây là 15 món chè ngon, cách làm hết sức đơn giản. Các bà nội trợ có thể tham khảo ngay để trổ tài làm món tráng miệng cho gia đình mình nhá!
Nội dung chính
- 1. Chè trôi ngũ sắc
- 2. Chè rau câu hạt sen
- 3. Chè trôi nước
- 4. Chè bơ
- 5. Chè dừa
- 6. Sữa chua mít nếp cẩm
- 7. Thạch trà xanh hạt sen
- 8. Chè đậu đen
- 9. Chè bưởi
- 10. Sủi dìn Hải Phòng
- 11. Chè sen nhãn khô
- 12. Chè thưng
- 13. Chè đậu trắng nước cốt dừa
- 14. Chè chuối nước cốt dừa
- 15. Chè sắn
- 16. Chè thái
- 17. Chè khúc bạch
- 18. Chè hạt sen sữa tươi
- 19. Chè hoa quả
1. Chè trôi ngũ sắc
Nguyên liệu:
- Bột nếp: 500 gram
- Đậu xanh đã cà vỏ: 100 gram
- Dừa tươi nạo sợi: 50 gram
- Đường: 150 gram
- Sữa đặc: 1 hộp
- Bí đỏ: 50 gram
- Ruột gấc cả hạt: 100 gram
- Bắp cải tím: 50 gram (Hoặc khoai lang tím)
- Lá nếp (hay còn gọi là lá dứa theo cách gọi của người miền nam): 50 gram
- Gừng tươi: 1 miếng nhỏ
Cách làm
- Bước 1: Tạo màu:
- Lá nếp, bắp cải tím rửa sạch, thái nhỏ, cho từng loại vào máy xay sinh tố, thêm 2 chén con nước (chén uống trà) rồi bật máy để xay nhuyễn từng loại. Sau đó lọc bỏ bã qua 1 cái rây, lấy phần nước cốt và để riêng từng loại.
- Bí đỏ gọt bỏ vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, thái nhỏ rồi cũng cho vào máy sinh tố, thêm 2 chén nước, xay nhuyễn (không cần lọc bỏ bã).
- Ruột gấc đem bóp cùng 1 thìa con rượu trắng, nặn bỏ hạt.
- Đậu xanh ngâm nước vài tiếng cho nở mềm. Sau đó đãi sạch rồi cho vào nồi, đổ nước sâm sấp mặt đậu. Cho nồi đậu lên bếp, đun nhỏ lửa cho đậu chín bở và cạn hết nước.
- Bước 2: Dùng thìa tán nhuyễn đậu, thêm 1/2 chỗ dừa nạo sợi, thêm đường và sữa đặc sao cho đủ độ ngọt theo khẩu vị. Cho đậu vào chảo chống dính, đặt chảo lên bếp, đun nhỏ lửa. Vừa đun, vừa dùng đũa đảo đều cho đến khi đậu khô ráo, có thể nắm thành từng viên tròn là được.
- Bước 3: Bớt lại khoảng 50 gram bột (dùng để thêm vào từng khối bột nếu lỡ tay cho nhiều nước), chỗ bột còn lại chia làm 5 phần.
- Cho bột vào 5 bát tô khác nhau, thêm vào từng bát 1 thìa đường (thìa ăn cơm) và 1 thìa sữa đặc.
- Rưới từ từ từng loại nước màu vào từng bát, vừa rưới vừa nhào đều để thu được khối bột dẻo mịn và không còn dính tay là được.
- Bước 4: Lấy 1 ít bột rồi vê tròn lại cỡ bằng quả táo ta, làm như thế cho đến hết các khối bột. Phần nhân đậu xanh cũng làm tương tự (nhưng vê viên tròn nhỏ hơn một chút).
- Ấn dẹt viên bột, cho 1 viên nhân vào giữa rồi gói lại và lại vê tròn. Làm lần lượt cho đến hết.
- Đun sôi một nồi nước, cho đường vào quấy tan, cho tiếp đến những viên bột vào. Khi thấy các viên bột nổi lên mặt nước thì rắc thêm gừng thái chỉ vào. Đun thêm khoảng 5-7 phút nữa là được.
2. Chè rau câu hạt sen
Nguyên liệu
- Bột rau câu con cá dẻo: 5g
- Hạt sen khô: 100g
- Lá dứa (lá nếp thơm)
- Đường phèn
- Đường cát: 20g
Cách làm:
- Bước 1: Hạt sen khô mua về rửa với nước, vo sạch để loại bỏ hết bụi bẩn. Thường thì khi nấu chè hạt sen, nhiều người sẽ loại bỏ tâm sen. Tuy nhiên, nếu bạn bị mất ngủ, hãy để nguyên cả phần tâm sen nhé vì chính phần này mới có tác dụng chữa mất ngủ đấy.
- Cho hạt sen khô vào nồi, thêm nước cho ngập hết mặt rồi đặt lên bếp ninh nhừ. Khi hạt sen sôi thì vặn nhỏ lửa. Lưu ý, khi đun hạt sen bạn nên hé vung khi sôi để tránh nước bị trào ra ngoài nhé!
- Cũng tương tự như khi làm chè lá dứa, sau khi rửa sạch, bạn cho lá nếp (lá dứa) vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Lọc qua rây để lấy nước cốt. Cho lá dứa vào nấu chè hạt sen rau câu sẽ giúp món chè có mùi thơm rất dễ chịu, kích thích vị giác lắm đấy.
- Bước 2: Bạn hoà bột rau câu với 20g đường rồi trộn đều. Đun khoảng 200ml nước, đợi khi nước sôi thì đổ hỗn hợp bột rau câu vào và khuấy đều. Đợi khi nước sôi tiếp thì từ từ đổ nước lá dứa vào, tiếp tục khuấy đều tay đến khi sôi lần nữa thì tắt bếp.
- Bước 3: Bạn đổ luôn phần thạch rau câu vừa đun ra khay chữ nhật, đợi hỗn hợp thạch nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh cho thạch đông lại nhé!
- Sau khi thạch rau câu lá dứa đông lại, bạn bỏ ra thái thành sợi nhỏ vừa ăn.
- Trong quá trình nấu hạt sen, nếu nước bị cạn thì bạn cho thêm một chút rồi tiếp tục ninh nhé!
- Đến khi hạt sen đã nhừ, cho đường vào khuấy cho tan, đun sôi một lần nữa rồi tắt bếp để nguội.
3. Chè trôi nước
Nguyên liệu
- Bột nếp: 400gr
- Đậu xanh cà đãi vỏ: 200gr
- Đường: 300gr
- Củ gừng: 50gr
- Hành tím băm nhuyễn: 3 củ
- Mè rang: 1 ít
Cách làm
- Bước 1: Ngâm đậu xanh trong nước khoảng 30 phút, rửa sạch và nấu chín (có thể dùng nồi cơm điện để nấu cho nhanh). Sau đó cà thật nhuyễn.
- Bước 2: Phi thơm hành tím và cho đậu xanh cà nhuyễn vào xào nhanh tay khoảng 5 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Đợi đậu xanh nguội rồi vo thành từng viên tròn nhỏ, đường kính khoảng 2-3cm.
- Bước 3: Pha 350 gram bột với 300ml nước sôi (chừa 50gr bột lại để làm lớp bột áo), để khoảng 20 phút cho bột nở. Ở bước này, nếu muốn vỏ bánh trôi nước có nhiều màu, bạn có thể dùng màu thực phẩm hoặc các màu tự nhiên như lá dứa (màu xanh lá), củ dền (màu đỏ)…
- Dùng tay nhồi bột và điều chỉnh lượng nước sao cho một dẻo, không dính tay, không vón cục là đạt yêu cầu.
- Chia bột thành các viên nhỏ, to hơn viên đậu xanh một chút và cán bột thành miếng tròn đều, sử dụng 50 gram bột đã chừa lại phủ đều để bột không dính.
- Bước 4: Cho viên đậu xanh vào giữa miếng bánh, bọc kín và vo tròn lại. Viên trôi nước đã thành hình!
- Bước 5: Luộc trôi nước với nước thật sôi trong khoảng 10-15 phút, đến khi bột chuyển sang màu trắng trong là được.
- Bước 6: Nấu 300 gram đường với 500 ml nước (hoặc điều chỉnh tùy theo khẩu vị của bạn), cho thêm gừng xắt lát vào, cuối cùng cho viên trôi nước vào, nấu thêm 15 phút nữa là có thể dọn ra, rắc thêm một ít mè rang và dùng ngay lúc nóng.
4. Chè bơ
Nguyên liệu
- Bơ (200 gr thịt bơ): 1 quả
- Đường: 20 gr
- Nước cốt dừa: 50 ml
- Sữa tươi: 120ml
- Nước cốt chanh: 1 muỗng canh
- Sữa đặc: 2 muỗng canh
- Gelatin (nếu dùng bột là 3 gr): 2,5 lá
Phần nước cốt
- Sữa tươi: 100ml
- Sữa đặc: 3 muỗng canh (cho vào nồi nấu sôi là tắt bếp)
Cách làm
- Bước 1: Lá gelatin ngâm vào nước lạnh 10 phút.
- Bơ chẻ đôi, bỏ hạt, nạo bơ cho vào máy xay sinh tố cùng với 60 ml sữa tươi, nước cốt dừa, nước cốt chanh, sữa đặc, đường xay nhuyễn.
- Bước 2: Cho 60 ml sữa vào 1 cái chén hâm nóng, sau đó vớt là gelatine cho vào hòa tan rồi cho hỗn hợp này vào bơ đã xay (bước 2) khuấy đều.
- Đổ hỗn hợp bơ vào chén hay khuôn tùy thích. Lấy màng bọc thực phẩm đậy miệng chén bơ rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh để khoảng 5 tiếng là chè bơ đông.
- Trình bày: Khi ăn cho chè bơ ra dĩa, chan nước sữa tươi vào cùng với ít đá nhỏ. Trang trí thêm thạch hạt lựu cho tăng phần hấp dẫn
Lưu ý, để lấy chè bơ ra khỏi chén dễ dàng, thì bạn nên ngâm 1/3 chén bơ vào nước ấm trước khi úp ngược vào dĩa.
5. Chè dừa
Nguyên liệu
- Bột năng (nếu có bột lọc tươi là tốt nhất): 300g
- Nước: 200ml
- Muối: 1/2 thìa cà phê
- Cùi dừa: 60g (để thái làm nhân)
- Nước sôi già (có thế cần dùng đến)
- Nước: 1l
- Cùi dừa nạo: 20g
- Đường: 150g
- Lá nếp: 3 nhánh
Cách làm
- Bước 1: Cùi dừa thái hạt lựu.
- Bước 2: Trong một cái nồi nhỏ, cho 1/2 lượng bột năng, 1/4 thìa cà phê muối vào cùng 200ml nước, quậy cho tan. Bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Dùng thìa gỗ quậy liên tục đến khi bột ở dạng nửa sống nửa chín.
- Bước 3: Vét bột ra mâm, nhào cùng với số bột khô còn lại thành hỗn hợp dẻo mịn. Nếu thấy bột quá khô, thêm từ từ nước sôi già vào tiếp tục nhào đến khi bột không dính tay.
- Ngắt từng miếng bột nhỏ, đặt viên dừa vào giữa, vê tròn.
- Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho 1l nước vào đun sôi cùng đường, 1/4 thìa cà phê muối, lá nếp, dừa nạo. Thả viên bột bọc dừa vào nồi, giữ bếp lửa to, luộc đến khi thấy viên bột nổi hết lên, đun thêm 3 phút nữa thì tắt bếp.
- Để nguội, khi ăn thêm đá bào. Bạn cũng có thể thay đổi một chút ở nhân để làm món chè bột lọc bọc thịt quay thơm ngậy nữa nhé.
6. Sữa chua mít nếp cẩm
Nguyên liệu
- Nếp cẩm: 200gr
- Mít: 200gr
- Sữa chua: 5 hộp
- Lá nếp: 4-5 lá
- Đường: 150gr
Cách làm
- Bước 1: Nếp cẩm đem ngâm với nước trong khoảng 3-4 tiếng cho mềm. Sau đó đem đãi sạch.
- Lá nếp rửa sạch, bó gọn.
- Mít bỏ hạt, thái miếng dài nhỏ.
- Bước 2: Cho nếp cẩm, lá nếp vào nồi, đổ lượng nước cao bằng 2 lần gạo. Sau đó đặt nồi nếp cẩm lên bếp đun sôi, sau đó vặn nhỏ lửa.
- Khi nước cạn, nếp cẩm đã chín mềm thì vớt bỏ lá nếp.
- Cho đường vào nồi nếp cẩm, đảo đều cho đến khi đường tan thì tắt bếp.
- Bước 3: Khi ăn cho nếp cẩm vào bát, thêm mít, cuối cùng là rưới sữa chua lên trên.
7. Thạch trà xanh hạt sen
Nguyên liệu
- Hạt sen tươi, hoặc hạt sen khô: 300g
- Đường phèn: 100g
- Bột trà xanh: 1 thìa cà phê
- Sữa tươi: 1 lít
- Đường cát trắng: 100g
- Bột gelatin: 30g
- Hạt é: 1 thìa canh
- Nước cốt dừa đóng hộp, đá bào
* Bạn có thể tìm mua các nguyên liệu làm bánh ở siêu thị hay quầy bán nguyên liệu làm bánh chuyên dụng.
Cách làm
- Bước 1: Bột trà xanh đổ ra bát, châm vào khoảng 2 thìa canh nước sôi nóng già, hòa cho bột tan hoàn toàn.
- Bước 2: Bột gelatin đổ ra bát nhỏ, thêm vào tầm 2 thìa canh nước lọc, sau đó cho bát bột gelatin vào lò vi sóng bấm khoảng 30 giây, để bột tan chảy hoàn toàn, lấy bát bột ra để qua một bên.
- Bước 3: Sữa tươi, đường cát trắng cho vào nồi khuấy tan, đun nhỏ lửa đến khi sữa nóng già (không để sôi) thì cho bột trà xanh ở bước 1 và bột gelatin ở bước 2 vào.
- Vừa đun vừa khuấy đến khi hỗn hợp hòa quyện với nhau thì tắt bếp. Đổ hỗn hợp vào âu thủy tinh sạch, hớt bọt, để nguội rồi cho vào tủ lạnh từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ để phần thạch đông cứng lại.
- Bước 4: Hạt sen mua về rửa sạch, lấy bỏ tâm sen. Đun nồi nước sôi tầm khoảng 3 đến 4 bát con rồi cho hạt sen vào đun lửa nhỏ chín mềm.
- Khi ăn thử hạt sen đã mềm bạn mới cho đường phèn vào đun nhỏ lửa, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
- Bước 5: Hạt é đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh cho hạt é nở, sau đó đổ hạt é ra cái rổ nhỏ, để cho ráo.
- Bước 6: Phần thạch sau khi đông, lấy ra cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Khi dùng múc chè hạt sen vào bát, thêm thạch trà xanh cắt nhỏ và hạt é, thêm đá bào, chan nước cốt dừa lên bề mặt, trộn đều lên, dùng lạnh.
8. Chè đậu đen
Nguyên liệu
- Đỗ đen (chọn hạt to đều, vỏ mỏng bóng, màu sắc đậm, cắn thử thấy giòn là đỗ mới): 450g
- Đường cát trắng: 150g
- Muối: 1 muỗng
- Có thể chuẩn bị thêm: dừa sợi tươi, vani, bột sắn dây, thạch đen
Cách nấu
- Bước 1: Đỗ đen rửa và đãi sạch, nhặt bỏ những hạt lép, nhỏ hoặc bị hỏng nổi trên mặt nước. Sau đó, đem đi ngâm khoảng 4-6h (tốt nhất là ngâm qua đêm), khi ngâm nhớ cho thêm 1 muỗng muối.
- Bước 2: Đỗ sau khi ngâm, vớt ra, rửa sạch cơm điện, đổ nước ngập cỡ 2 đốt ngón tay và ninh đỗ. Khi nồi chè sôi được khoảng 5 phút, bật nồi sang chế độ ủ.
- Để nồi chè ở chế độ ủ khoảng 15 phút thì bật lại sang chế độ nấu để chè sôi lại. Vài phút sau, kiểm tra sẽ thấy hạt đỗ đã mềm.
- Bước 3: Sau khi hạt đỗ đã chín mềm, dùng muôi có lỗ vớt hết đỗ ra một cái nồi khác và để lại nước đỗ đen trong nồi.
- Bước 4: Cho đường vào đảo cùng với hạt đỗ và đun trên lửa nhỏ, khuấy đều đến khi đường tan ngấm vào hạt đỗ thì tắt bếp.
- Trút hạt đỗ trở lại nồi nước, nêm thêm đường cho vừa khẩu vị. Để chè đỗ đen sánh và thơm, hãy hòa chút bột sắn dây và thêm vani vào.
- Lúc múc chè ra ăn, cũng có thể cho thêm ít sợi dừa tươi và thạch đen để cốc chè đỗ đen trở nên hấp dẫn hơn
9. Chè bưởi
Nguyên liệu
- Bưởi: 1 quả to hoặc 2 quả nhỏ, bạn nên chọn bưởi da xanh hoặc bưởi năm roi cho ngon nhé.
- Đậu xanh đã xát vỏ: 250g.
- Đường: 300g.
- Muối: 4 thìa.
- Nước cốt dừa: 1 hộp.
- Sữa tươi có đường: 200ml.
- Bột năng: 50g.
- Đậu phộng rang sẵn: 100g.
- Vani: 3 ống, bạn cũng có thể sử dụng hoa bưởi để thay thế nhưng vani sẽ tiện dụng hơn nhé.
Cách làm
- Bước 1: Sơ chế
- Đậu xanh: Ngâm trong nước lạnh 1 tiếng, rồi vớt ra rổ để ráo, trong quá trình chờ ngâm đậu xanh bạn chuyển qua sơ chế làm cùi bưởi nhé;
- Làm cùi bưởi – phần chính của món chè bưởi:
- Gọt lớp vỏ xanh bên ngoài quả bưởi, giữ phần cùi trắng, bạn chỉ gọt mỏng vừa thôi nhé, nếu gọt mỏng quá thì tinh vỏ bưởi sẽ làm món chè bưởi bị đắng đấy, phần cùi trắng bạn thái hạt lựu 1cm;
- Bước 2: Sơ chế cùi bưởi
- Trộn đều phần cùi trắng bưởi với 2 thìa muối trong 10 phút, sau đó bóp kỹ nhưng nhẹ tay rồi xả lại bằng nước lạnh nhiều lần cho sạch muối rổi vắt ráo nước.
- Tiếp đó, bạn đun sôi 1 nồi nước với 1 thìa muối, cho cùi bưởi vào luộc sơ và thực hiện việc xả kỹ với nước lạnh, vắt ráo nước như ở trên, làm như thế cùi bưởi sẽ không còn vị đắng, cay, the nữa.
- Ướp cùi bưởi với 100g đường trong 2 tiếng và lăn khô cùi bưởi với 30g bột năng trong 1 tô lớn để khi hoàn thành món chè bưởi, chính lớp bột năng này sẽ giúp cho cùi bưởi có hương vị giòn giòn, dai dai rất đặc trưng đấy.
- Đun sôi 1 nồi nước và thả cùi bưởi vào, đến khi cùi bưởi nổi lên phía trên hết và có màu trắng, trong (như bột lọc) thì vớt ra, cho vào tô lớn có để nước đá, chính nước đá sẽ giúp cùi bưởi cứng và giòn hơn rất nhiều. Sau khi ngâm trong nước đá 15 phút, bạn vớt ra rổ, để ráo.
- Bước 3: Làm nước cốt dừa ăn kèm món chè bưởi
- Cho 200ml sữa tươi không đường với hộp nước cốt dừa đến khi hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp, để nguội, làm như thế nước cốt dừa sẽ béo ngậy và thơm hơn rất nhiều
- Đậu phộng rang sẵn: Xa sạch vỏ, giã nhỏ.
- Bước 4: Nấu món chè bưởi
- Cho 2,5 lít nước vào nồi đun sôi cùng với 150g đường và 250g đậu xanh, bạn có thể gia giảm lượng đường tùy theo khẩu vị nhé, đến khi nước sôi, bạn hòa 20g bột năng còn lại với 1 bát nước lạnh và cho vào nồi chè, vừa đổ vừa khuấy để bột năng tan đều, tiếp tục khuấy đến khi nước chè bắt đầu sánh lại;
- Khi thấy đậu xanh vừa chín mềm, nở ra, bạn cho cùi bưởi đã sơ chế vào, khuấy nhẹ tay, vặn lửa nhỏ vừa, đun sôi tiếp 5 phút, cho 3 ống vani vào rồi tắt bếp. Bạn cũng có thể cho lá dứa vào đun cùng với chè để tạo mùi thơm yêu thích nhé, đến khi chè chín thì vớt lá dứa ra là đã có thể thưởng thức món chè bưởi hấp dẫn này rồi.
10. Sủi dìn Hải Phòng
Nguyên liệu
1. Nhân:
- Vừng đen: 100gr
- Lạc rang: 50gr
- Dừa nạo: 50gr
- Đường: 50gr
- Nước một chút
2. Vỏ bánh
- Gạo nếp: 300gr
- Một chút nước: 100ml
3. Nước đường:
- Đường phèn màu nâu 300gr.
- Gừng tươi.
Cách làm
- Bước 1:
- Vừng đen rang chín, giã mịn, có thể cho vào máy xay sinh tố xay.
- Lạc rang, giã vỡ.
- Trộn đường, vừng lạc, dừa, nước đun nóng thành một khối
- Bước 2: Gạo trộn với nước nhồi thành một khối mềm. Không nên cho quá nhiều nước, bột sẽ bị nhão, khó nặn.
- Bước 3: Đặt một nồi nước lên bếp để sôi. Lấy một ít bột ấn dẹt, cho nhân vào trong rồi vê tròn, như bánh trôi. Thả vào nồi nước. Đun chừng 5 đến 7 phút. Khi nào bánh nổi lên thì chín.
- Đường phèn và gừng đập giập, cho vào cái nồi khác, nấu cho tan đường, cho vài hạt lạc vào cho đẹp.
- Khi bánh chín, vớt ra bát, rắc ít vừng đen lên trên, múc nước đường đã đun nóng dội lên.
- Bánh mềm, thơm mùi gừng, mùi đường, dừa. Nước đường đậm đà mà không ngọt sắc. Rất ấm lòng vào những ngày đông giá lạnh.
11. Chè sen nhãn khô
Nguyên liệu
- Hạt sen khô: 140g
- Nhãn khô: 75g
- Đường phèn hoặc đường cát trắng: 250g
- Nước: 1 lít
Cách làm
- Bước 1: Nhãn khô ngâm với nước lạnh qua đêm cho nở hết. Hôm sau, rửa và xả lại nước lạnh cho sạch hết các tạp chất, để ra bát riêng.
- Bước 2: Hạt sen khô xả qua nước lạnh rồi cho vào nồi nước sôi nấu lửa vừa khoảng 30 phút cho sen vừa chín mềm nhưng còn nguyên hạt, không bị nát.
- Bước 3: Cho vào nồi khác 1 lít nước lạnh cùng với đường nấu cho sôi và đường tan hết, sau đó vớt hạt sen đã nấu chín cho vào nồi cùng với long nhãn, đun thêm vài phút cho sen và nhãn thấm đường rồi tắt bếp là được.
12. Chè thưng
Nguyên Liệu – Sơ chế
- 200gr đậu xanh cà sạch vỏ, vo đãi sạch, ngâm nước nóng qua 2 giờ rồi cho vào xững hấp chín cho rời hạt.
- 200gr đậu phụng khô, ngâm nước nóng qua đêm, đãi vỏ, nấu đậu cho đến khi mềm.
- 20gr nấm mèo, ngâm nước nở mềm, cắt bỏ gốc rễ, xắt nấm thành sợi nhỏ.
- 100gr bột khoai miếng dài, bột báng viên.ngâm riêng trong nước lạnh chừng 1 giờ, vớt ra đểráo.
- 15 trái táo tàu khô ngâm nước nóng cho nở mềm, cắt hai, bỏ hột.
- 500gr dừa nạo, cho vào ½ lít nước sôi, vắt lấy nước cốt; cho thêm khoảng 1,5 lít nước nóng nữa vắt lấy nước dão.
Cách nấu
- Bước 1: Nấu nước dừa dão với chừng 5 – 7 lá dứa rửa sạch.
- Khi nước sôi, cho bột báng, bột khoai vào nấu nhỏ lửa cho nở mềm, rồi cho vào tiếp khoảng 350 đến 450gr đường (tùy ý muốn ngọt ít nhiều), đường tan, vớt bỏ lá dứa rồi cho đậu xanh, đậu phụng, nấm mèo vào khi nước sôi lại lần nữa cho nước cốt dừa, táo tàu vào khuấy đều, nêm vào khoảng non muỗng cà phê muối cho chè đậm đà là tắt bếp.
- Bước 2: Tùy thích ăn chè nóng ấm hoặc múc ra từng chén và ướp lạnh trước khi ăn; nếu muốn ăn kèm nước đá bào thì nên tăng lượng đường cho chè ngọt đậm hơn.
13. Chè đậu trắng nước cốt dừa
Nguyên liệu
- Đậu trắng loại 1: 400g (mình thích đậu nhiều còn bạn nào không khoái đậu nhiều có thể cho bớt lại)
- Nếp thơm: 1 chén nếp (chén đầy nhé)
- Đường: 300g (tuỳ bạn có thích ngọt hay không mà gia giảm nhé)
- Lá dứa: 3 cọng
- Muối
- Mè trắng rang vàng
- Nước cốt dừa
Cách làm
- Bước 1: Đậu mua về rửa sạch, ngâm để loại bỏ những hạt đậu hư, vớt ra để ráo.
- Bắc 1 nồi nước lên bếp, cho đậu vào nấu đến khi hạt đậu mềm.
- Sau khi đậu mềm cho ra nước lạnh và vớt ra để ráo.
- Bước 2: Nồi cơm điện rửa sạch, đổ đậu vào trước, sau đó đổ nếp đã vo sạch lên trên, cho 4 chén nước lọc vào, cho thêm tí muối để đậm đà, cho thêm đường vào và sau cùng là lá dứa để lên trên. Bật nút nấu lên (giống như bạn nấu cơm vậy đó).
- Thời gian đợi chè chín bạn có thể thoải mái làm những công việc khác mà không sợ nồi chè bị khét hay hạt nếp bị nhừ quá.
- Sau khi nồi cơm điện đã bật sang chế độ giữ nóng thì cũng là lúc chè của chúng ta đã sẵn sàng rồi đấy.
- Bước 3: Chè múc ra chén, cho nước cốt dừa đã thắng (nước cốt dừa cho thêm tí muối và đường đun đến sền sệt là được), cho mè trắng rang vàng lên trên. Vậy là đã sẵn sàng để bạn cùng gia đình bạn bè thưởng thức rồi nhé.
14. Chè chuối nước cốt dừa
Nguyên liệu
- Chuối tây chín tới: Nửa nải
- Nước cốt dừa bán sẵn: 400ml
- Đường cát trắng: ¼ bát con
- Muối: ½ thìa cà phê
- Hạt trân châu nhỏ: 2 thìa
- Dừa bào sợi: Một ít
- Lạc rang
Cách làm
- Bước 1: Sơ chế
- Lột bỏ vỏ chuối, bỏ hết các sợi gân chuối. Sau đó thái miếng nhỏ vừa ăn. Cho muối và chút đường vào bát chuối, trộn đều và ướp khoảng 15-20 phút.
- Lạc rang cho vào cối giã nhỏ vừa.
- Trân châu đãi qua nhiều lượt nước để rửa sạch. Rồi cho ngâm trong nước lọc trong 15 phút để trân châu nở hết, đổ ra để ráo nước.
- Bước 2: Lấy nồi đun bắc lên bếp, đổ nước cốt dừa vào nồi.
- Đun với lửa nhỏ, khi nước cốt dừa bắt đầu sôi thì từ từ cho chuối vào đun cùng đến khi chuối chín mềm, ngấm nước cốt dừa.
- Cho thêm trân châu vào, đảo thật nhẹ để chuối không bị nát. Đến khi hạt trân châu nổi, màu trắng trong thì nêm lại đường cho vừa miệng.
- Tắt bếp, múc ra bát, rắc thêm chút lạc đã giã nhỏ và dừa nạo lên trên và mang ra thưởng thức thôi nào.
15. Chè sắn
Nguyên liệu
- Sắn: 400g
- Đường thẻ: 200g
- Đường nâu: 100g
- Bột năng: 200g
- Lá dứa: 10 lá
- Gừng
Cách làm
- Bước 1: Sắn gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc rồi đem luộc với 1 chút xíu muối. Lá dứa rửa sạch, xay lấy nước cốt. Cho phần đường thẻ vào 1 lít nước, đem đun sôi.
- Khi sắn đã bở, vớt sắn ra, bỏ phần xơ ở giữa, nghiền mịn sắn trộn với 100g đường nâu. Lấy 1 nửa số sắn đã nghiền trộn với phần nước cốt lá dứa.
- Nặn sắn thành từng viên tròn nhỏ vừa ăn. Sau đó thả vào nồi nước đường đang sôi vặn nhỏ lửa.
- Bước 2: Bột năng hòa với chút nước cho đều, sau đó từ từ đổ vào nồi chè sắn khuấy đều tay để tránh vón cục.
- Gừng rửa sạch, băm nhỏ thả vào nồi chè. Đợi sôi trở lại là được.
16. Chè thái
Nguyên liệu
- Nhãn + mít + vải mỗi thứ 250 gr
- Sầu riêng: 100g
- Bột rau câu: 10 gr
- Đường cát trắng: 80 gr
- Thạch dừa: 250 gr
- Sữa tươi không đường: 300ml
- Vài giọt si rô dâu
Cách làm
- Bước 1: Hòa tan hỗn hợp đường + nước lạnh + bột rau câu để trong vòng 30 phút. Tiếp theo đun hỗn hợp trên nhỏ lửa, khuấy đều để bột rau câu tan đều sau đó cho thêm vài giọt siro dâu để thạch có màu sắc đẹp hơn.
- Sau khi đun hỗn hợp trên tan hết bột rau câu các bạn đổ ra bát đợi cho nguội để trong tủ lạnh cho rsu câu đông lại.
- Bước 2: Sơ chế mít, nhãn, vải, sầu riêng:
- Mít + sầu riêng tách múi và bỏ hạt
- Nhãn + vải bỏ hạt sao không bị nát cùi
- Thạch dừa đổ ra bát
- Bước 3: Đợi khi rau câu đông lấy ra thái sợi nhỏ, mít cũng thái nhỏ. Hòa tan sữa tươi với đường.
- Bước 4: Cho mít, rau câu, nhãn, vải, thạch dừa vào bát sữa tươi vừa pha trộn đều rồi để vào tủ lạnh trong khoảng 3 – 4 tiếng cho mát.
- Khi ăn lấy ra cho vào cốc cho thêm đá bào và thưởng thức. Khi dùng bạn chỉ cần múc hỗn hợp này ra cốc, cho thêm đá hoặc không cần đá đều được.
- Nếu ăn kèm với đá, tốt nhất nên sử dụng đá bào sẽ giúp món chè ngon hơn.
17. Chè khúc bạch
Nguyên liệu
- Sữa tươi: 250ml
- Kem tươi (whipping cream): 250ml
- Gelatin dạng bột: 13-15g
- Đường: 3 tbsp
- Hạnh nhân thái lát hoặc mua loại thái lát sẵn
- Cùi vải hoặc nhãn
Cách làm:
- Bước 1: Cho các nguyên liệu trên vào xoong rồi khuấy đều cho tan đường và gelatin. Để nghỉ khoảng 5 phút, khuấy đều lại sau đó đặt lên bếp đun với lửa vừa. Khoảng 5-7 phút là được.
- Đổ ra khuôn rồi cất tủ lạnh ít nhất 3 -4 tiếng.
- Cuối cùng cắt thành miếng.
- Hạnh nhân bỏ lò khoảng 2 lần, mỗi lần khoảng 120 độ C
- Bước 2: Cách nấu nước vải hoặc nhãn
- Vải hoặc nhãn bóc vỏ ngâm cùng đường khoảng 20-25 phút. Sau đó đun cùng với nước (khoảng chừng 2-3 cốc). Thêm đường nếu cần.
- Có thể biến tấu nhiều loại khúc bạch với nhiều vị và các màu khác nhau. Để làm được vậy, trước tiên cần các loại sữa hoa quả. Ví dụ muốn có màu hồng thì làm sữa dâu, sữa dưa hấu (xay lấy nước rồi pha cùng sữa), muốn có màu vàng có thể làm sữa vị xoài, muốn có màu cafe thì pha cafe sữa. Muốn có màu xanh thì pha bột trà xanh cùng với sữa Biểu tượng cảm xúc grin Sau đó thực hiện các bước và tỉ lệ tương tự như trên.
18. Chè hạt sen sữa tươi
Nguyên liệu
- Hạt sen: 200g
- Thạch: 100g
- Sữa tươi: 500ml
- Va-ni
- Đường: 1 thìa súp
- Muối: 1/6 thìa cà phê
- Đá viên hoặc đá bào.
Cách làm
- Bước 1: Cho hạt sen vào thố, đặt lên xửng, hấp khoảng 15-20 phút cho chín vừa, mềm nhưng không bở nát.
- Dùng dao răng cưa thái thạch ra thành nhiều khối vuông nhỏ, vừa ăn.
- Bước 2: Đun sôi sữa tươi trên lửa nhỏ, lửa quá to sẽ làm sữa lợn cợn.
- Cho đường, muối và 1/2 ống va-ni vào, khuấy đều.
- Cho hạt sen vào nấu khoảng 2 phút là được.
- Mang chè ướp lạnh là có thể dùng được.
19. Chè hoa quả
Nguyên liệu
- Bột jerry: 1muỗng canh
- Đường
- Màu thực phẩm: 1 ít
- Trái cây: 1 quả kiwi , 1 miếng đu đủ , 1 miếng dưa lưới , nho tươi , dâu tây
- Sữa tươi: 300ml
- Sữa đặc: 1 ít
- Nước đá bào nhuyễn
Cách làm
- Bước 1: Bột jery ngâm nở cho vào nồi cùng với nước đường nấu sôi . Cho rau câu vào khuôn đông thạch , và thêm 1 giọt màu xanh thực phẩm vào , để rau câu nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh, những viên rau câu đẹp mắt sẽ được tạo ra nhờ đôi tay khéo léo của chúng ta.
- Bước 2:
- Các loại quả đem gọt bỏ vỏ, ngâm ngay những miếng hoa quả vào bát nước muối cho khỏi thâm
- Dâu tây: Rửa sạch, bỏ cuống, cắt làm 4
- Dưa lưới, đu đủ, kiwi rửa sạch và cắt miếng vuông
- Nho rửa sạch
- Bước 3:
- Sữa tươi cho vào nồi thêm đường đun đến khi đường hòa tan hết và sữa bắt đầu sôi lăn tăng thì tắt lửa để nguội hoặc đông lạnh trong ngăn mát.
- Rau câu sau khi đông lấy ra dùng đồ cắt câu.
- Nước đá được đập nhuyễn cho vào giữa bát ,cho thêm tất cả trái cây, rau câu lên phía trên.
- Bước 4: Cho sữa tươi vào đầy bát rưới thêm sữa đặc lên phía trên khi thưởng thức, có thể thay các loại hoa quả theo mùa cũng sẽ tạo cho món chè thêm hấp dẫn.
Chúc các bạn ngon miệng!
Mình đang rất muốn biết suy nghĩ của các bạn về bài viết này, để mình có thể cải thiện và đưa ra những bài viết tốt hơn nữa cho các bạn đọc.