Vào dịp Tết đến, mỗi vùng miền của Tổ quốc lại có một nét ẩm thực đặc trưng riêng. Vậy cùng khám phá 6 món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Nam dưới đây nhé!
1. Bánh tét
Trong mâm cỗ ngày Tết thì bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu của các gia đình miền Nam. Bánh được gói bằng lá chuối với nguyên liệu gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo rồi cho vào nồi luộc chín.
So với miền Trung thì bánh tét miền Nam có phần nhân đa dạng hơn, ngoài nhân mặn còn có loại bánh tét ngọt, bánh tét chay, bánh tét thập cẩm, bánh tét lá cẩm,…Đặc biệt, người miền Trung quan niệm đòn bánh tét là đòn roi nên dùng để ăn trong nhà chứ không đem biếu như người miền Nam.
2. Củ cải ngâm nước mắm
Những ngày giáp Tết, người dân miền Nam lại rộn ràng chuẩn bị một hũ củ cải ngâm thơm phức để ăn kèm cùng bánh tét và các món nhiều dầu mỡ. Cách thực hiện cực kì đơn giản chỉ cần làm sạch, ngâm với mắm đường và chút tỏi ớt rồi để trong vài tuần là có thể dùng được. Củ cải ăn giòn tan hòa quyện cùng đủ vị cay ngọt mặn rất thích hợp để giải ngán ngày Tết.
3. Củ kiệu tôm khô
Ngoài củ cải ngâm mắm, thì củ kiệu tôm khô cũng là món ăn kèm rất được ưa thích trong mâm cơm Tết ở miền Nam. Vị chua chua giòn giòn của củ kiệu kết hợp cùng vị mặn ngọt của tôm khô mà ăn cùng cơm trắng, bánh tét hay thịt kho thì càng ngon tuyệt. Không những thế, món này còn được dùng làm món nhậu cùng với bia, rượu trong ngày Tết.
4. Thịt kho tàu
Thịt kho tàu là món ăn vô cùng quen thuộc trong bữa cơm ngày Tết của người miền Nam. Thịt được nấu là thịt ba chỉ kho nhừ cùng hột vịt và nước dừa cho tới khi có mùi thơm phức cùng màu vàng nâu hấp dẫn. Đặc biệt, các gia đình thường nấu một nồi thịt kho tàu lớn để ăn dần trong những ngày Tết cùng với cơm trắng và dưa món rất ngon.
5. Xôi vò
Xôi vò là món xôi đặc trưng của người miền Nam và thường xuất hiện trong mâm cơm cúng dịp Tết với ý nghĩa đoàn viên, ấm no cả năm. Xôi vò có vị dẻo thơm của gạo nếp hòa quyện cùng vị ngọt bùi của đậu xanh và béo ngậy của nước cốt dừa. Cách làm tuy đơn giản nhưng lại mang đến hương vị thơm ngon và hấp dẫn khó quên.
6. Canh khổ qua
Theo quan niệm của người dân miền Nam thì ý nghĩa của canh khổ qua là “cái khổ sẽ qua đi”, mong muốn những khó khăn của năm cũ qua đi và chào đón may mắn, thuận lợi trong năm mới. Bên cạnh đó, món canh khổ qua nhồi thịt lại vừa ngon vừa bổ dưỡng với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như giải nhiệt, chống ngán, hỗ trợ tiêu hóa,…
Chuẩn bị mâm cỗ để cúng cuối năm và sum họp gia đình là truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Vậy thì lưu lại các món ăn trên để chuẩn bị một mâm cơm thơm ngon và đa dạng vào dịp Tết nhé!