Hôm nay ăn gì? Luôn là câu hỏi đau đầu nhất của chị em phụ nữ khi đảm nhận công việc nội trợ. Nếu đã quá ngấy với cơm thì bạn có thể tham khảo 20 công thức nấu các món xôi thơm ngon mới lạ dưới đây của Yeuamthuc.org để chiêu đãi gia đình nhé!

Sponsor

Lợi ích bất ngờ khi ăn xôi vào buổi sáng – bạn biết chưa?

Xôi là món ăn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe được nhiều người ưa thích sử dụng vào bữa ăn sáng. Nguyên nhân là do việc tiêu thụ món ăn này thường xuyên của nhiều người bao gồm cả trẻ nhỏ và người lớn.

1.1. Cung cấp năng lượng cần thiết cho cả ngày dài

Năng lượng cung cấp cho cơ thể của xôi mặn hay các loại xôi đều tương đối cao. Điều này cũng xuất phát từ nguyên liệu chính làm nên xôi là gạo nếp cũng có lượng năng lượng ở mức khá cao. Trong 100g gạo nếp đã nấu chín có thể cung cấp năng lượng đến hơn 100 calo.

1.2. Dồi dào selen có vai trò tăng cường miễn dịch

Selen là nguyên tố vi lượng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cả trí tuệ và sức khỏe. Tuy lượng selen cơ thể cần cung cấp không cao nhưng nếu thiếu selen thì cơ thể có thể gặp nhiều dấu hiệu triệu chứng như khó chịu, ảnh hưởng đến sự sản sinh bạch cầu. Ngoài ra, selen cũng có tác dụng quan trọng trong hệ miễn dịch, kích thích bạch cầu sản sinh nhiều hơn và hoạt động tốt hơn. Đồng thời, selen trong thành phần của xôi cũng có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng của cơ thể trước các mầm bệnh có nguy cơ xâm nhập vào cơ thể.

1.3. Tốt cho hệ thần kinh và não bộ

Với thắc mắc ăn nhiều xôi có tốt không thì câu trả lời là có. Bởi trong thành phần gạo nếp trong món xôi còn chứa dồi dào khoáng chất mangan. Đây là loại chất khoáng cực kì quan trọng của cơ thể nói chung và đối với hệ thống các dây thần kinh, não bộ và hệ thống enzym nói riêng. Việc bổ sung đầy đủ manga sẽ có tác dụng giữ cho não bộ tỉnh táo, thần kinh hoạt động hiệu quả và bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tình trạng lão hóa hoặc các bệnh lý liên quan đến trí nhớ. Bên cạnh đó, mangan trong thành phần của gạo nếp còn có tác dụng thúc đẩy sản sinh collagen và elastin dưới da, giúp cho da luôn ẩm mượt, tăng độ đàn hồi và tác dụng chống lão hóa từ sâu bên trong. Không chỉ có những công dụng trên, trong thành phần của gạo nếp còn có chứa các dưỡng chất cần thiết khác như chất đạm, chất xơ, các vitamin và khoáng chất như vitamin E và vitamin B6,… đem lại nhiều lợi ích để cơ thể hoạt động hàng ngày.

1. Xôi mít – Tưởng không ngon ai ngờ ngon không tưởng

Nguyên liệu

  • 8-10 múi mít to
  • 1 bát con gạo nếp
  • Muối, đường
  • 200ml nước cốt dừa, 1 thìa nhỏ muối, 1 thìa nhỏ đường cát trắng, 1 thìa nhỏ bột ngô
  • 1 mớ lá cẩm để tạo màu tím, lá dứa để tạo màu xanh
  • Dừa bào sợi, vừng rang chín
  • Nếu không dùng lá cẩm, bạn có thể xay nhuyễn lá nếp để tạo màu xanh.
Xôi mít – Tưởng không ngon ai ngờ ngon không tưởng. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Lá cẩm đem rửa sạch, để ráo. Cho lá cẩm vào nồi, thêm nước lạnh, đun sôi để lá cẩm ra màu, đun khoảng từ 7-10 phút thì vớt ra bỏ lá, giữ lại phần nước màu lá cẩm, để nguội.
    • Lá dứa xay mịn, lọc lấy nước bỏ bã.
    • Gạo nếp đãi sạch, ngâm gạo nếp vào âu nước lá cẩm, khi ngâm gạo hòa lẫn nửa thìa nhỏ muối, ngâm gạo nếp qua đêm.
  • Bước 2: Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm, cho vào chõ hấp xôi, nấu chín, thỉnh thoảng dùng đũa xới đều, thêm muối, đường cho vừa ăn.
    • Lưu ý: Không nêm quá ngọt vì bạn sẽ dùng kèm với mít đã ngọt sẵn.
      • Mít ăn kèm với xôi thì bạn nên lựa mít chín, múi to, đầy đặn, dùng dao xẻ một đường ở thân múi mít, lấy bỏ hạt mít.
  • Bước 3: Vừng rang chín, giã vừng, thêm muối, đường cho vừa ăn. Dừa bào sợi đổ ra bát để riêng.
  • Bước 4: Cho nước cốt dừa, muối, đường, bột ngô, bắc lên bếp, vừa đun vừa khuấy đến khi phần nước cốt dừa đặc lại thì tắt bếp, để nguội.
    • Múi mít sau khi xẻ thì dùng thìa múc một ít xôi cho vào giữa, tiếp theo bên trên rắc một ít dừa bào sợi, thêm muối vừng và rưới một ít nước cốt dừa.

2. Xôi đỗ đen

Nguyên liệu

  • 300gam: gạo nếp.
  • 150gam: đỗ đen.
  • Nước cốt dừa.
  • Để gạo dẻo, đậu đen mềm bạn cần thực hiện các công đoạn dưới đây trước khi bắt tay vào chế biến món xôi đậu đen.
Xôi đỗ đen. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Sơ chế
    • Lấy đỗ đen đã chuẩn bị sẵn đem rửa sạch, loại bỏ các hạt lép đỗ đen, tốt nhất đem ngâm đỗ trước một đem để nấu hạt sẽ mềm.
    • Tương tự với gạo nếp cũng ngâm qua đêm. Khi gần chuẩn bị nấu vo qua và xóc đều, để 15 cho ráo và thêm chút muối như vậy lúc xôi chín ăn sẽ vừa miệng hơn.
  • Bước 2: Vớt đỗ đen đã được ngâm từ đêm hôm trước và cho vào nồi nước nấu. Nấu tới khi nào hạt đỗ ăn thấy mềm, nứt nhưng vẫn còn nguyên hạt thì tắt bếp và vớt ra giá, để ráo nước khoảng 10 phút.
  • Bước 3: Trộn gạo, đỗ đen nấu chín ở bước 1 thêm chút nước cốt dừa đã chuẩn bị sẵn (khoảng 5 thìa). Tiếp đó, cho lên nồi đất hoặc nồi hấp để đồ xôi.
  • Bước 4: Thời gian đồ xôi khoảng 20 phút đến một tiếng. Bạn có thể thử ăn trước khi tắt bếp. Hạt gạo và đỗ đều mềm là được.
    • Món ăn xôi đậu đen có thể ăn kèm với muối lạc vừng hoặc chả, ruốc đều ngon. Hoặc có thể ăn xôi chấm với chút đường.

3. Xôi ngũ sắc

Nguyên liệu

  • 1,5kg gạo nếp
  • 1 bó lá cẩm
  • 1 bó lá dứa
  • ½ quả gấc
  • 100g nghệ tươi
  • 5 thìa cà phê muối
  • Rượu trắng
  • 3 thìa cà phê đường
  • 3 thìa canh nước cốt dừa
Xôi ngũ sắc. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Sơ chế nguyên liệu làm xôi ngũ sắc:
    • Trước hôm nấu vo sạch gạo nếp rồi ngâm với nước để qua đêm.
    • Ngâm gạo nếp làm xôi ngũ sắc
    • Rửa sạch các loại lá cẩm, lá dứa và nghệ. Giã nhuyễn nghệ tươi.
  • Bước 2: Nghệ tươi sau khi giã nhuyễn đổ thêm khoảng 1lít nước lọc, lọc lấy nước vàng và bỏ bã đi.
    • Lá cẩm cắt thành khúc rồi cho vào nồi, thêm 1lít nước lọc và đun sôi trong khoảng 10 phút. Khi đó nước sẽ nhuộm màu tím của lá cẩm, lọc lấy phần nước màu tím còn bỏ lá đi.
    • Lá dứa cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, đổ vào 1 lít nước lọc, lọc lấy nước cốt màu xanh qua rây, bỏ bã đi.
  • Bước 3: Lấy 1 bát đựng gấc, thêm chút rượu trắng vào, dùng tay đeo bao ni long bóp thật kỹ đến khi tách hết phần thịt gấc ra khỏi hạt, bỏ hạt đi.
  • Bước 4: Chia phần gạo nếp đã ngâm qua đêm làm 5 phần. Cho mỗi phần ngâm vói một loại nước (nước lá cẩm, nước lá dứa, nước nghệ), 1 thìa canh nước cốt dừa, 1 thìa cà phê đường và 1 thìa cà phê muối. Ngâm trong khoảng 3 giờ thì ta được 3 loại màu.
    • Còn một phần trộn đều với thịt gấc thêm 1 thìa cà phê muối trộn đều, một phần giữ nguyên và cũng thêm muối.
  • Bước 5: Sau khi ngâm, cho gạo nếp vào nồi đồ xôi, để lửa lớn để hạt gạo nếp được nở chín đều. Sau 30 phút dùng đũa để xới tơi, nếu thấy xôi có vẻ khô thì có thể rưới thêm chút nước lên trên.

Lưu ý khi làm xôi ngũ sắc:

  • Nếu bạn có nồi đồ xôi lớn thì có thể đồ cả 5 loại màu 1 lúc, còn tùy kích thước nồi mà đồ 2 hay 1 loại một nhé bạn.
  • Khi thấy xôi bị khô, có thể rưới chút nước lên, và nếu bạn rưới nước cốt dừa thì càng ngon nhé.
  • Bạn có thể không sử dụng nước cốt dừa, nhưng khi ngâm gạo với nước cốt dừa thì xôi sẽ dẻo bùi, mùi vị còn tuyệt hơn nữa đấy.
  • Phần xôi màu trắng, nếu thích bạn có thể chuyển thành xôi đỗ xanh cho thêm đẹp nhé.

4. Xôi lá dứa

Nguyên liệu

  • 500g gạo nếp ngon
  • 200g dừa nạo
  • 200g lá dứa (lá nếp)
  • 2 muỗng cà phê muối
Xôi lá dứa. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Lá dứa rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố rồi thêm nước vào, xay nhuyễn ra.
  • Bước 2: Cho hỗn hợp nước lá dứa lên rây, lọc lấy nước cốt, bỏ bã. Dừa nạo cũng lọc lấy nước cốt. Lưu ý nên dùng nước lọc đã đun sôi (để nguội) để xay với lá dứa và lọc nước cốt dừa nhé! Cất nước cốt dừa trong tủ lạnh (khi nấu xôi gần chín mới cho vào).
  • Bước 3: Nếp vo thật sạch, để ráo nước. Sau đó, bạn cho nếp vào thau rộng rồi cho nước lá dứa (khoảng ⅔ phần nước lá dứa, 1 phần còn lại để dùng sau) vào ngâm với nếp trong 8h đồng hồ để hạt nếp mềm và thấm màu xanh lá dứa.
  • Bước 4: Sau thời gian ngâm, vớt gạo ra, để hơi ráo. Trộn gạo nếp lá dứa với chút muối cho xôi đậm đà. Đặt nồi nước lên bếp, cho xôi vào xửng hấp, hấp chín.
  • Bước 5: Hấp xôi trong khoảng 15 phút thì mở nắp vung, dùng đũa xới xôi đều lên cho hơi nước bốc lên chín đều từng hạt xôi. Đậy vung khoảng 5 phút nữa thì cho nước cốt dừa và phần lá dứa còn lại vào xôi, xới đều. Hấp thêm 10 phút nữa là xôi chín quyện với mùi thơm của lá dứa và nước cốt dừa thơm lừng. Đây là bước quan trọng, xôi có đạt được độ ngon hay không là ở bước này

5. Xôi khúc

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500 g (hoặc 1 kg, nếu ai muốn ăn nhiều xôi)
  • Đỗ xanh không vỏ: 200 g
  • Thịt ba chỉ: 200 g
  • Rau muống: 1/2 mớ
  • Hạt tiêu: 2 thìa, bột canh: 2 thìa, mắm: 1/2 thìa, muối tinh: 1/2 thìa
  • Hành khô: 3 củ
  • Bột nếp: 200 g.
Xôi khúc. (Nguồn: Internet)
Sponsor
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Cách làm

  • Bước 1: Sơ chế
    • Gạo nếp và đỗ xanh ngâm qua đêm (hoặc nếu không có thời gian có thể ngâm băng nước nóng trước 2 tiếng khi nấu).
    • Gạo nếp đổ ra rổ cho ráo nước rồi trộn với ít muối hạt.
    • Đậu xanh cho vào chõ đồ chín hoặc cho vào nồi cơm điện nấu. Khi đỗ xanh chín thì dùng cối giã nhuyễn rồi viên thành 8 viên tròn.
    • Rau muống nhặt bỏ cuống rồi rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và lọc lấy nước (bỏ bã).
  • Bước 2: Cho bột nếp ra bát tô, đổ từ từ nước rau muống vào nhồi cho đến khi bột dẻo không dính tay là được. Cho thêm chút bột canh, trộn đều rồi nặn thành 8 viên tròn.

6. Xôi lá dứa hạt sen

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp: 350g
  • Hạt sen tươi: 150g
  • Dừa: 50g
  • 1 bó lá dứa, muối, đường, 1 thìa nước cốt dừa, 1 thìa đường
Xôi lá dứa hạt sen. (Nguồn: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Lá dứa (lá nếp) rửa sạch, để lại khoảng 2 lá lát nấu cùng xôi, phần còn lại xắt khúc, xay nhỏ cùng với chút nước. Sau đó vắt lấy phần nước cốt để ngâm gạo tạo màu cho xôi.
  • Bước 2: Cho nước lá dứa vào xâm xấp mặt gạo nếp ngâm khoảng 6-7h. Sau đó vo sạch, để ráo, xóc cùng chút muối cho xôi thêm đậm đà.
  • Bước 3: Đun xôi nước trong xửng hấp, cho gạo cùng với 2 cái lá dứa đã chừa lại ở trên vào hấp cho đến khi chín. Trong khi hấp thỉnh thoảng dùng đũa đảo cho xôi được chín đều, phía đáy không bị nát.
  • Bước 4: Trong khi chờ xôi chín, bạn chuẩn bị hạt sen và dừa nạo. Hạt sen rửa sạch, cho vào nồi luộc chín cùng xíu muối.
  • Bước 5: Dừa gọt bỏ phần vỏ đen, rửa sạch, nạo sợi.
  • Bước 6: Khi xôi vừa chín tới, gắp bỏ phần lá dứa đồ cùng xôi đi, sau đó cho hạt sen đã luộc chín ở trên cùng với 1 thìa nước cốt dừa, 1 thìa đường vào trộn đều.
  • Bước 7: Cho xôi ra đĩa, rắc phần dừa đã nạo sợi lên phía trên và ăn nóng. Vị bùi bùi của hạt sen quyện cùng chút béo ngậy thơm ngon của dừa, thơm nức của lá dứa sẽ thực sự hấp dẫn bạn đặc biệt trong những ngày tiết trời se lạnh như thế này.

7. Xò vò

Nguyên liệu

  • Gạo nếp 1kg
  • Mỡ nước 100g
  • Đậu xanh 500g
  • Muối vừa đủ
    xôi vò. (Nguồn: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Chọn gạo nếp hoa vàng ngon vo sạch, ngâm nước 8-10 giờ rồi vớt ra dội lại, để ráo nước. Đậu xanh xay vỡ, ngâm nước, đãi sạch vỏ, đồ chín, cho vào cối giã nhỏ. Nắm đậu xanh thành từng nắm to bàng quả cam.
  • Bước 2: Bắc nồi cho nước khoảng 1/3 đáy, đun sôi cho bốc hơi đều rồi đổ gạo vào. Tiếp tục đun to lửa để chín thành xôi trắng, tãi ra cho nguội.
  • Bước 3: Thái đậu xanh đã đồ chín vào xôi trắng, rưối vào một chút mỡ nước và một chút nước sôi để nguội, trộn đều và cho vào đồ lại một lần nữa. Khi hơi bốc đều, đun thêm 5 phút nữa rồi trút ra rá để nguội. Xới xôi ra đĩa (bát), ăn nguội

8. Xôi gấc

Nguyên liệu:

  • 1 quả gấc (200g)
  • 2 bát gạo nếp
  • 4 thìa cà phê đường
  • 2 thìa cà phê muối
  • 60g dừa tươi bào sợi
  • 3 thìa cà phê nước cốt dừa (nếu không dùng nước cốt dừa, bạn có thể mua dừa tươi về bào vụn, vắt lấy nước cốt dừa)
  • 1 thìa rượu trắng.
    Xôi gấc. (Nguồn: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Nếp vo sạch, ngâm qua đêm với chút muối. Gấc bổ đôi, lấy thịt gấc, trộn vào thịt gấc 1 thìa rượu trắng, để qua đêm hay vài giờ đồng hồ.
    • Ngày hôm sau vớt nếp ra rổ, trộn thịt gấc đã ngâm rượu vào nếp và thêm 1 thìa cà phê muối vào nếp, trộn đều.
  • Bước 2: Đổ nếp vào chõ hấp xôi. Canh chừng 10 phút, mở nắp xửng, rưới nước cốt dừa và dừa sợi bào vụn, dùng đũa xới đều xôi lên rồi đậy nắp khoảng 5 phút. Sau đó, mở nắp và bỏ đường vào, trộn đều nhẹ tay bằng đũa, rồi đậy nắp nồi nấu tiếp khoảng 5-7 phút hoặc canh thấy xôi chín mềm là được.
  • Bước 3: Bới xôi ra đĩa, hay khuôn ấn xôi dùng nóng.

9. Xôi hạt sen

Nguyên liệu:

  • 500g gạo nếp
  • 200g hạt sen tươi (nếu dùng sen khô thì bạn lấy 100g ngâm với nước 3-4 giờ nhé)
  • 100g dừa nạo
  • 1 thìa canh nước cốt dừa
  • Muối, đường
    xôi hạt sen. (Nguồn: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Gạo nếp vo sạch, ngâm 6 tiếng rồi vớt ra rổ cho ráo nước.
    • Hạt sen luộc chín tới với 1 nhúm muối nhỏ.
    • Dừa nạo thêm 1 thìa canh đường trộn thật đều, để 30 phút rồi đem xào với lửa thật nhỏ đến khi sợi dừa trong.
  • Bước 2: Trộn gạo với hạt sen đã luộc chín, thêm 1 chút muối xóc đều. Cho gạo vào đồ chín thành xôi
    • Sau khi xôi đã chín bạn cho dừa đã xào vào, thêm 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước cốt dừa vào trộn xôi thật đều.

10. Xôi xéo

Nguyên liệu

  • 1 kg gao nếp ( nhà em 5 người ăn là vừa xinh ạ )
  • Đỗ xanh : 200 gram
  • Hành khô : các bạn mua ở ngoài hàng khô người ta thái sẵn nhưng chưa phi í ạ
  • Bột nghệ, gia vị, dầu ăn
Xôi xéo. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp vo sạch, ngâm với chút muối và bột nghe. Ngâm gạo ít nhất 8 tiếng hoặc ngâm qua đêm, sáng hôm sau dậy chỉ cần cho gạo vào đồ .
    • Nếu không có thời gian hoặc đột xuất nhà có việc thì các bạn ngâm với nước ấm ( mình hôm nay ngâm 2 tiếng nhưng xôi vẫn rất dẻo và ngon )
    • Với đỗ xanh : các bạn cũng ngâm như vậy.
    • Với hành khô: muốn hành phi được gìon và không bị cháy thì truoc khi phi các bạn rửa hành .
  • Bước 2: Sau đó cho chút bột chiên giòn vào trộn cùng. Đợi mỡ thật già thì cho hành vào phi. Khi thấy hành ngả màu vàng thì tắt bếp luôn nhé. Để một lúc hành sẽ vàng hơn đấy. Phần mỡ thừa để rưới vào xôi nhé.
  • Bước 3: Đậu xanh ngâm nở thì trộn với ít muối, đem đồ chín.
    • Giã bông đậu khi đậu còn nóng rồi cho vào khăn sạch nắm đậu thành viên tròn.
    • Xôi đồ chín, khi ăn múc xôi ra bát, thái đỗ thành lát mỏng lên trên, rưới một chút mỡ hành đều lên xôi, rắc hành phi. Dùng nóng hay nguội đều ngon.

11. Xôi nếp lá cẩm

Nguyên liệu

  • 2 chén nếp
  • 1 lon nước cốt dừa
  • 1 chén nước lá cẩm
  • ½ chén đường (nếu thích ngọt)
  • 1 chén đâu xanh nấu chín tán nhuyễn (nếu thích)
Xôi nếp lá cẩm. (Nguồn: Internet)
Sponsor

Cách làm

  • Bước 1: Lá cẩm rửa sạch, đem nấu với nước sâm sấp cho chín xong đem xay nhuyễn và lược lại. Nước lá cẩm sẽ có màu tím đậm.
  • Bước 2: Nếp vo sạch xong cho tí muối và nước lá cẩm vào, mực nước cao hơn nếp chừng 1 inch là được. Ngâm nếp chừng 3 giờ hoặc qua đêm càng tốt, nếu thấy ít nước cho thêm tí nước lạnh.
  • Bước 3: Nếp đã ngâm cho ra rổ cho ráo bớt nước xong đem hấp. Khi nếp vừa chín tới rưới nước dừa vào từ từ, xới lên cho đều. Khi nếp chín dẻo cho đường vào nếu thích, trộn lên đều và hấp chừng 5 phút nữa là được.
    • Cho xôi ra dĩa hoặc dùng khuôn nhận xôi cho đẹp. Nếu thích có thể để ít đậu xanh lên mặt, sẽ tăng thêm vẻ đẹp của xôi và hương vị cũng thêm phần hấp dẫn.

12. Xôi gà cốt dừa

Nguyên liệu

  • 1kg gạo nếp ngon
  • 1 con gà 1,3 – 1,5kg
  • 300g dừa bào vụn
  • 100g hành phi
  • Muối
  • Lá chanh
    Xôi gà cốt dừa. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Sơ chế
    • Gạo nếp vo sạch, ngâm 8 – 10 tiếng hoặc qua đêm, sau đó đổ gạo ra rổ xả nước lại rồi để ráo, xóc 1 thìa cà phê muối.
    • Gà xát muối, rửa sạch, để ráo. Hành khô thái mỏng, dùng mỡ gà để phi hành.
    • Dừa cắt vụn, đổ 1 bát con nước sôi vào, vắt lấy 1 bát con nước cốt đặc, phần bã cho vào chõ nước đun để làm nước đồ xôi cho thơm (Nếu không dùng dừa bào thì thay bằng 3 thìa canh nước cốt dừa).
  • Bước 2: Đổ gạo nếp vào chõ đang sôi, cho gà vào, để trên mặt gạo (úp phần bụng xuống), đậy nắp kín, đồ khoảng 40 phút là gà và xôi cùng chín. Lấy gà ra đĩa, để nguội, lọc bỏ xương, thịt thái lát hoặc xé phay.
    • Khi vớt gà ra rưới ngay nước cốt dừa vào chõ xôi, dùng đũa xới nhẹ tay cho xôi tơi đều, đậy nắp kín, đồ thêm 10 phút để nước cốt dừa thấm vào từng hạt xôi.
  • Bước 3: Xới xôi ra đĩa, cho thịt gà lên, rắc chút lá chanh thái chỉ, hành phi lên mặt xôi gà, ăn kèm với nước tương ớt và đồ chua.

Lưu ý: Nếu dùng gà đông đá thì thời gian hấp có thể thay đổi nhiều hoặc ít hơn 40 phút, nếu chưa đến 40 phút mà thấy gà đã chín tới thì nhấc gà ra, rồi đồ xôi tiếp cho chín hẳn. Trường hợp sau 40 phút gà vẫn hơi đỏ thịt thì lấy xôi ra trước, để gà trong nồi đó, đậy nắp đến khi thịt chín tới (không bật bếp nhé) các bước khác làm tương tự.

13. Xôi chim bồ câu

Nguyên liệu

  • Gạo nếp – 0,5kg
  • Chim bồ câu – 1 con
  • Đường – 1 thìa cà phê
  • Muối – 1/2 thìa cà phê
  • Mắm – vừa đủ
  • Mỡ heo – vừa đủ
  • Hành khô – 5 củ
    Xôi chim bồ câu. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp ngâm nước lạnh trong 4 – 4,5 giờ đồng hồ để hạt gạo ngấm nước, rồi để ráo nước.
  • Bước 2: Trộn đều gạo với đường, muối, mỡ , đem hấp chín. Sau đó, rãi ra để nguội
    • Hành khô thái nhỏ, phi vàng.
    • Thịt chim lọc xương, băm hoặc thái nhỏ, hoặc băm nhỏ cả xương, sau đó cho vào cối giã nhuyễn cùng với các gia vị. cho lên bếp rang vàng, thêm chút mắm cho thơm.
  • Bước 3: Xới đơm ra đĩa, rắc hành khô lên bề mặt xôi.(Nếu không thích ăn hành khô thì có thể phi thơm và xào cùng thịt chim).

14. Xôi bắp

Nguyên liệu

  • 1/2 gói ngô hạt, khoảng 200g
  • 2 bát gạo nếp (tính bằng bát ăn cơm bình thường)
  • 1/2 bát đỗ xanh đã làm sạch vỏ
  • Vài củ hành tím
  • Muối, vừng, lạc, đường.
    Xôi bắp. (Nguồn: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Ngô ngâm qua đêm cho mềm, lúc ngâm bạn nhớ thêm vào nồi ngô 1 thìa nhỏ muối. Nếu dùng ngô tươi, bạn không cần phải ngâm mà chỉ lột bỏ vỏ, tách lấy hạt.
    • Gạo nếp ngâm nước lạnh ngập mặt nếp, để qua đêm.
    • Đỗ xanh cũng ngâm nước lạnh khoảng 3 đến 4 tiếng.
  • Bước 2: Ngày hôm sau đổ ngô, nếp ra rổ cho ráo nước, trộn đều nếp và ngô vào với nhau. Đổ vào chõ hấp xôi, nấu chín.
    • Đỗ xanh đổ nước xâm xấp mặt đỗ, đem nấu. Khi đỗ mềm, đổ ra mâm hay đĩa lớn dùng vò chai thủy tinh nghiền đỗ mịn. Vắt đỗ thành một cục tròn bằng lòng bàn tay.
    • Hành tím thái mỏng, đun nóng 3 – 4 thìa nhỏ dầu, đổ hành tím vào phi vàng, giữ lại dầu đã phi hành.
    • Lạc, vừng rang vàng giã nhuyễn, trộn vào chút đường, muối.
  • Bước 3: Xôi chín múc ra bát, phía bên trên mặt xôi dùng cái thìa cắt đỗ xanh thành từng lát mỏng đổ lên bề mặt xôi, thêm hành phi, với ít dầu hành. Thêm lạc, vừng đã rang, trộn đều.

15. Xôi lá cẩm khoai môn

Nguyên liệu

  • Nếp dẻo 300 gr
  • Khoai môn 200 gr
  • Lá cẩm 100 gr
  • Dừa non
  • Đậu phộng rang Mè trắng, muối, đường
Xôi lá cẩm khoai môn. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Sơ chế
    • Nếp vo sạch, để ráo.
    • Khoai môn cắt hạt lựu. Cho lá cẩm vào nồi nấu với khoảng 0,7l nước cho ra màu tím, chắt lấy nước. Luộc qua khoai môn với 1/2 phần nước lá cẩm.
  • Bước 2: Cho nếp vào phần nước lá cẩm còn lại, thêm chút muối vào nấu sôi lên. Nước vừa sôi là chắt hết nước và đổ phần nếp này và khoai môn vào chõ nồi cơm điện nấu chín.
  • Bước 3: Dừa non nạo sợi mỏng. Đậu phộng rang giã nhỏ; mè trắng rang vàng, trộn với đậu phộng và đường. Rắc dừa non lên xôi, ăn cùng muối mè đậu phộng. Ăn nóng sẽ ngon hơn.

16. Xôi gà tứ bảo

Nguyên liệu

  • 500g gạo nếp
  • 100g thịt gà
  • 100g tôm bóc nõn
  • 100g thịt lợn xay
  • 2 cái lạp xưởng
  • Cà rốt 1 củ, hành tay 1 củ, nắm hương, tỏi bóc vỏ
  • Dầu mè, dầu hào, bột năng, gia vị, hạt tiêu, dầu ăn
    Xôi gà tứ bảo. (Nguồn: Internet)
    Sponsor

Cách làm

  • Bước 1: Ngâm gạo nếp 8 tiếng rồi cho lên đồ xôi.
    • Tôm, thịt gà thái hạt lựu. Trộn tôm, thịt gà, thịt xay với dầu hào, dầu mè, hạt tiêu, gia vị.
    • Hành tây, cà rốt thái hạt lựu, nấm hương thái sợi.
  • Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo phi thơm tỏi, cho hành tây vào xào thơm, cho hỗn hợp thịt đã trộn ở trên và cà rốt vào xào, nêm gia vị vừa ăn, cho hành hoa vào. Thêm 2-3 thìa bột năng vào đảo tạo sự kết dính.
  • Bước 3: Lấy một miếng nylon sạch hoặc lá chuối để gói xôi. Dàn đều xôi ra cho nhân vào giữa rồi gói lại, viên thành những viên tròn nhỏ xinh.
    • Khi ăn có thể rắc chút vừng rang lên trên rất thơm.

17. Xôi xoài

Nguyên liệu

  • 250g gạo nếp, 400ml nước cốt dừa
  • 2 – 3 quả xoài cát chín thật ngọt
  • 130g đường cát trắng, 1 muỗng nhỏ vơi bột ngô, chút muối, vừng rang vàng.
    Xôi xoài kiểu thái. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Nếp ngâm qua đêm cho mềm, đem vo sạch rồi để ráo.
    • Bắc nồi/xửng hấp lên bếp để lửa to đun cho nước sôi rồi cho nếp vào hấp khoảng 10 phút cho hạt nếp hơi se lại rồi lấy ra thau trộn với 150ml nước cốt dừa và 80g đường cho đều. Hỗn hợp nếp sau khi trộn sẽ rất ướt và nhão.
    • Cho hỗn hợp nếp trở lại vào nồi hấp, đậy nắp nồi lại tiếp tục hấp xôi với lửa to vừa cho đến khi xôi chín (khoảng 20 phút), thỉnh thoảng mở nắp nồi dùng đũa đảo cho xôi chín đều, hạt xôi từ từ ráo lại là được.
  • Bước 2: 250ml nước cốt dừa còn lại cho vào nồi nhỏ cùng với 50g đường và một chút muối cho lên bếp để lửa nhỏ khuấy cho đường tan đều.
    • Bột bắp hòa với chút nước cho tan rồi cho vào nồi nước cốt dừa, vừa cho vừa khuấy đều để tạo độ sánh nhẹ cho nước cốt. Khi nước cốt dừa sôi nhẹ, đường tan, bột chín là được.
    • Xoài gọt vỏ cắt hai má hai bên. Từng má xoài các bạn xẻ dọc rồi sau đó cắt ngang thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
  • Trình bày: xới xôi ra đĩa dàn mỏng, bày cả má xoài đã được cắt nhỏ lên trên, sau cùng chan nước cốt dừa và rắc thêm ít vừng rang vàng.

18. Xôi chiên kẹp

Nguyên liệu

  • 2 chén con gạo nếp
  • 250g thịt nạc xay
  • Nửa củ cà rốt
  • Nửa củ sắn nhỏ
  • Vài cái nấm mèo (mộc nhĩ)
  • Một ít hành lá, muối, hạt nêm, tiêu, hành khô, dầu ăn
  • Tương ớt, có thể thêm ruốc tùy theo sở thích.
    Xôi chiên kẹp. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp đãi qua nhiều lần nước cho sạch, ngâm gạo vào tô nước lạnh có pha một ít muối qua đêm. Hôm sau đổ gạo nếp ra rổ cho ráo nước, cho gạo nếp vào nồi hấp, hấp cho nếp chín, có thể rưới vào gạo nếp một ít nước cốt dừa hoặc một muỗng nhỏ dầu ăn, xới đều, tiếp tục nấu đến khi xôi chín dẻo.
  • Bước 2: Thịt nạc xay cho ra tô, thêm vào một ít muối, tiêu, trộn đều ướp khoảng 30 phút. Phần cà rốt, củ sắn bạn cạo bỏ vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu.
    • Với nấm mèo, bạn ngâm nấm trong nước nóng cho nở, rồi cắt bỏ chân, rửa sạch, thái hạt lựu.
  • Bước 3: Tiếp theo đun nóng dầu ăn, phi hành thơm, cho thịt vào xào chín. Sau đó cho tiếp nấm mèo, cà rốt, củ sắn vào xào chung, nêm gia vị vừa ăn. Bạn tắt bếp, thêm hành lá cắt nhỏ và rắc một ít tiêu lên bề mặt thịt, để nguội.
  • Bước 4:
    • Tạo hình cho xôi với bằng nắp lọ hoặc chén ăn cơm.
    • Phần xôi sau khi chín, để nguội. Bạn dùng một cái chén nhỏ hoặc nắp lọ, đặt miếng màng bọc thực phẩm lên sau đó cho xôi vào rồi ấn xuống tạo hình trụ tròn. Hãy nhớ thoa lên tay một ít dầu ăn để không bị dính, bạn tiến hành làm cho hết phần xôi. Sau đó, bạn cho xôi vào ngăn mát tủ lạnh chừng 15 phút cho xôi khô mặt để chiên cho dễ hơn.
  • Bước 5: Dùng chảo chống dính bắt lên bếp cho nóng, cho vào một ít dầu ăn và chiên xôi cho vàng đều cả hai mặt. Khi vớt xôi ra ngoài, để lên một miếng giấy thấm dầu để khi ăn không bị quá béo.
  • Bước 6: Sau khi chiên hết xôi, bạn cắt đôi miếng xôi ra, dùng thìa múc hỗn hợp thịt đã xào khi nãy vào, rưới thêm một ít tương ớt, có thể thêm ruốc tùy theo sở thích của bạn.

19. Xôi gà lạp xưởng

Nguyên liệu

  • 3 bát gạo nếp (bát ăn cơm bình thường)
  • 3 – 4 đùi gà (tùy theo sở thích bạn có thể tăng hoặc giảm gà)
  • 1 – 2 thanh lạp xưởng
  • Hành lá, ngũ vị hương, nước tương, đường, muối, nước mắm, hành hương
  • 1 bó lá nếp nhỏ.
    Xôi gà lạp xưởng. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp đãi sạch, ngâm qua đêm với ít muối.
    • Khứa 3 – 4 đường trên đùi gà, ướp gà qua đêm với chút ngũ vị hương, nước tương, đường, muối, nước mắm, hành hương thái nhỏ.
    • Lạp xưởng rửa sạch, cắt khoanh dày khoảng 1cm. Bạn có thể để nguyên các khoanh lạp xưởng hoặc cắt chúng làm đôi.
  • Bước 2: Làm nóng 2 thìa dầu ăn trong chảo, cho gà vào chiên, lật hai bên đùi gà để gà chín đều. Hòa chút nước sôi vào bát gia vị ướp gà, đổ vào chảo đun cùng gà đến khi gà chín mềm thì lấy ra bát, để nguội.
  • Bước 3: Đổ nếp vào chõ hấp xôi. Bạn nhớ thêm vào 1 bó lá nếp đã buộc lại để xôi thơm hơn.
    • Thỉnh thoảng xới đều nếp, lúc nào nhìn hạt nếp nửa sống nửa chín thì đổ lạp xưởng đã thái vào, trộn đều lên.
    • Thịt gà nguội bạn xé nhỏ.
    • Hành lá thái nhỏ, thêm 1 thìa cà phê dầu ăn rồi để bát hành vào lò vi sóng quay 30 giây cho hành chín.
  • Bước 4: Khi xôi nếp chín, bạn xới đều lên cho xôi tơi ra.
    • Khi ăn bạn lấy xôi ra đĩa kèm theo lạp xưởng, trên bề mặt rải thịt gà xé sợi, rưới ít hành lá trộn với dầu ăn đã nấu chín. Nếu thích bạn có thể ăn thêm chà bông nhé!

20. Xôi đậu xanh

Nguyên liệu

  • 400gr gạo nếp
  • 200gr đỗ xanh (nên chọn loại đỗ xanh mà lòng của nó màu xanh, không nên chọn loại có lòng màu trắng vì đó là đậu đã để lâu dễ gây sượng)
  • Một thìa cà phê muối tinh
Xôi đậu xanh. (Nguồn: Internet)

Cách làm

  • Bước 1: Gạo nếp và đỗ xanh ngâm trước khoảng hai giờ, sau đó vo sạch để ráo nước. Riêng đỗ xanh cần vo và đãi cho sạch vỏ
    • Khi gạo và đỗ đã ráo nước thì cho vào nồi cơm điện, đồng thời cho thìa muối tinh trộn đều.
  • Bước 2: Đổ nước sao cho ngập phần gạo khoảng 0,5cm. Cắm điện, đợi khi sôi thì mở nắp, nhanh tay đảo đều rồi đóng kín. Khi nồi cơm điện chuyển sang nút ủ ấm thì đợi thêm khoảng 10 phút là xôi đã chín tới.

    Thân chúc các bạn thành công!

Bạn ơi, bài này tuyệt chứ?
Có 1 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Theo dõi
Thông báo của
1 Bình luận
Được bỏ phiếu nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Share.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
wpDiscuz