Bê thui Cầu Mống là món ăn đặc sản của xứ Quảng đã nửa thế kỷ nay. Cầu Mống là một địa danh thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nổi tiếng khắp nơi nhờ món… bê thui trứ danh. Đường đi từ Hội An đến nơi này không xa lắm nhưng vì các quán hàng đều nằm ngoài QL1 nên cách tốt nhất là vẫy taxi.
Con đường nhỏ vòng vèo qua cánh đồng, đi xuyên qua làng mạc, nếu tự chạy xe máy chắc phải hỏi đường không biết bao nhiêu lần, vì chẳng có biển chỉ tên lối. Anh chàng lái xe bảo, các anh chị đi taxi là đúng. Trời nắng thế này mà đường xá không biết. Cứ lên xe mát, đi một tí là tới nơi. Đến em chờ xe, các anh chị cứ ăn uống thoải mái. Em chở đi đến nơi rồi chở về đến chỗ luôn, không tính tiền thêm đâu. Đấy! Nghe đã thích! Đã thấy dịch vụ của các bạn ở trong này tốt thật.
Món ngon không thể thiếu rau sống, chuối chát và nước chấm
Các cửa hàng bê thui nằm san sát nhau, hàng nào cũng đông khách, đỗ kín xe ô tô bên ngoài. Chưa cần biết món ngon cỡ nào, cứ thấy mấy cái đùi dê treo lủng liểng, vàng ruộm bên ngoài tủ kính đã thấy thèm vô cùng. Chọn một bàn, gọi món, chưa đầy 10 phút đã thấy mâm bát bê ra, bày biện.
Đầu tiên là nước uống, rồi một đĩa rau sống to tướng, xanh mướt mắt, rồi nước chấm mỗi người một bát, một đĩa các loại củ quả đi kèm, rồi bánh tráng, bánh tráng nướng và cuối cùng là nửa cân bê thui, bày trong một đĩa lớn, thái mỏng như những cánh hoa cùng vài lát chanh được bê ra đặt vào chính giữa.
Tất cả mọi thứ trên bàn đều là những sản vật của chính mảnh đất Quảng Nam. Bánh tráng và bánh tráng nướng được làm tại đây. Rau sống từ làng rau Trà Quế, đủ quả chanh, trái ớt, đủ rau húng, rau thơm, rau ngò. Mắm chấm là món mắm làm từ loài cá đánh bắt tại đây, chủ yếu là cá nục và cá cơm. Bê thui là những chú bê vẫn được nuôi thả hai bên bờ sông Thu Bồn, ngày ngày ăn nó, tắm mát. Món ăn của những sản vật quê hương, hấp dẫn vô cùng. Lập tức, bữa ăn bắt đầu trong tiếng đũa bát lách cách.
Tùy vào yêu cầu tái hay chín mà vắt thêm chanh
Chanh được vắt lên bê để làm chín thịt. Tùy vào yêu cầu của mỗi người mà miếng bê thui chín tái vừa ăn. Cầm trong tay lát bánh tráng mỏng, nhỏ, đặt vào đó rau sống gồm rau thơm, lát chuối chát, vài cọng giá, đặt miếng bê thui vào giữa, cuộn lại rồi chấm vào nước chấm, rồi đưa vào mồm. Vị giác lập tức được đánh thức bởi vị ngọt lịm của bê, vị chua chat của chuối, vị giòn mềm của rau sống, vị đậm đà của nước chấm. Tất cả cùng hòa quyện trong miếng ăn đầu tiên và ngon đến tận miếng cuối cùng. Quá ngon! Quá ngọt! Chẳng mấy chốc trên mâm chỉ còn lại bát đĩa rếch. Vẫn chưa đã cơn thèm, thế là lại thêm một phần như thế nữa.
Bây giờ thì có thể vừa ăn vừa trò chuyện chứ không ào ào như lúc đầu. Trong quán cũng đã vãn dần khách, bàn nào cũng đĩa to đĩa nhỏ, tất cả đều sạch bách. Món ngon quá hấp dẫn nên ai cũng muốn ăn cho thật đã cơn thèm.
Mâm bê thui đơn giản với những món ăn đậm chất Quảng Nam
Bê thui Cầu Mống đặc biệt là bởi vào mùa xuân, đôi bờ sông Thu Bồn là ngàn dâu biêng biếc, mênh mông những đồng cỏ non tơ mơn mởn trải dài. Đất Gò Nổi – Cầu Mống suốt mùa lũ lụt thường chìm khuất dưới nước. Nước lũ rút đi, phù sa màu mỡ để cỏ cây lên xanh, tươi tốt đến không ngờ, trở thành vùng đất thuận lợi chăn nuôi bò. Những đàn bò mặc sức ăn no tắm mát và sinh sản rất nhanh, cho ra đời những chú bê con lớn nhanh như thổi vì được tiếp nguồn sữa mẹ dồi dào nhờ đồng cỏ xanh tươi…
Người Gò Nổi nói rằng con bê năm tháng tuổi là lúc thích hợp nhất để hạ thịt. Mặc dù có thể chọn bê nơi khác cũng cùng độ tuổi nhưng thường gầy ốm nên thịt mỏng mà không thơm như bê ở Cầu Mống. Ngày trước người ta thui bê bằng củi dâu nên miếng thịt càng thơm ngọt; khi thui phải biết cách chêm lửa thế nào cho vừa đủ để cả con bê vừa chín tới và chín đều. Bây giờ dù người ta thui bê bằng than hoa nhưng miếng thịt bê thui Cầu Mống vẫn cứ danh bất hư truyền.
Thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của món bê thui Cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng.
Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ. Ngoài 3 loại rau chính là giá sống (loại cọng dài và mảnh), chuối chát và khế chua, trong đĩa rau còn có nhiều loại rau thơm (húng, quế, ngò…) và cải chìa non. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyến vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người xứ Quảng.
Ăn bê thui Cầu Mống phải ăn cùng rau sống đủ loại của vùng quê bên sông nước, cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm mới là đúng điệu. Đôi khi để thêm phần đa dạng thực khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da… tuỳ thích. Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, nhón thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng… cuộn tất cả lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ, ngon không tưởng nổi…
Có lẽ vì vị ngon không dễ quên của bê thui Cầu Mống, và sự vang danh của món đặc sản xứ Quảng này nên tại nhiều nơi, các “dị bản” của món ăn cũng xuất hiện khá nhiều. Để thực sự thưởng thức đúng hương vị món bê thui Cầu Mống, thực khách cần tìm đến những nhà hàng uy tín hoặc do đúng đầu bếp Quảng Nam nấu bếp.
Bài và ảnh: Lam Linh