Nếu bạn là một fan “hảo ngọt” thì còn chần chờ gì nữa mà không bay vào đây để học ngay cách nấu 10 món chè thơm ngon này nhé.

1. Chè xoài pudding

Nguyên liệu làm chè xoài pudding:

  • Xoài chín 1 kg
  • Nước cốt dừa 200 ml
  • Sữa tươi không đường 200 ml
  • Whipping cream 100 ml
  • Bột gelatin 8 gr
  • Bột rau câu giòn 3 gr
  • Sữa đặc 50 gr
  • Bột báng 30 gr
  • Siro dâu 1 muỗng canh
  • Hạt é 5 gr
  • Đường 60 gr

Cách nấu chè xoài pudding

1. Sơ chế xoài:

Đầu tiên, với 1kg xoài chín (khoảng 2 – 3 quả) mua về bạn đem rửa sạch và gọt vỏ. Tiếp đó cắt 200gr phần thịt xoài thành miếng nhỏ và xay nhuyễn với 100ml sữa tươi không đường. Phần xoài còn lại cũng cắt thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn.

2. Ngâm gelatin và làm pudding xoài

Cho 100ml nước và 8gr bột gelatin vào một cái tô rồi khuấy đều cho tan ra. Để ngâm gelatin trong 10 phút cho nở mềm.

Đem xoài đã xay nhuyễn đổ vào nồi và đun nóng trong 2 phút ở lửa vừa. Sau 2 phút xoài bắt đầu nóng lên thì cho gelatin đã ngâm vào và đun đến khi gelatin tan hết, hỗn hợp xoài sôi lên lăn tăn là được.

Ta sẽ đổ phần xoài đã đun vào các hộp đựng flan và để vào ngăn mát tủ lạnh cho đông lại ta sẽ có pudding xoài.

3. Làm rau câu sữa dừa

Ta cho vào nồi 3gr bột rau câu giòn và 100ml nước khuấy đều rồi bắc lên bếp đun, vừa đun vừa khuấy đều. Đun tiếp bột rau câu trong lửa nhỏ trong vòng 5 phút nữa cho bột rau câu chín đều. Tiếp đó, ta cho 50gr sữa đặc, 50ml nước cốt dừa vào và khuấy đều lên. Đun đến khi hỗn hợp sôi lăn tăn lại thì tắt bếp và đổ hỗn hợp vào 1 cái hộp, để vào ngăn mát tủ lạnh để rau câu đông.

4. Chuẩn bị bột báng và hạt é

Ta sử dụng 30gr bột báng cho vào tô và ngâm trong 200ml nước trong vòng 30 phút cho bột báng nở ra. Sau đó cho bột báng đã rửa và 200ml nước vào nồi đun sôi lên đến khi bột báng trong lại và nổi lên trên mặt nước là được. Ta vớt bột báng ra rồi rửa lại với nước lạnh.

Cho 5gr hạt é vào một cái chén và ngâm với 20ml nước đun sôi để nguội. Có thể cho thêm 1 muỗng canh siro dâu (hoặc các loại siro tùy thích) để thêm mùi thơm và có màu đẹp hơn nhé!

5. Nấu hỗn hợp nước cốt dừa

Ta cho vào nồi 200ml nước lọc, 100ml sữa tươi không đường, 100ml whipping cream, 60gr đường và đun sôi lên, vừa đun vừa khuấy đều. Đun đến khi hỗn hợp nước cốt dừa sôi lăn tăn thì cho phần bột báng vào, khuấy đều rồi tắt bếp.

6. Hoàn thành

Ta lấy phần rau câu sữa dừa ở trong tủ lạnh ra cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn. Cho vài cục đá vào tô và dùng con dao mũi nhọn róc quanh thành hộp để lấy pudding xoài ra.

Tiếp theo ta cho vào tô những miếng xoài nguyên đã chuẩn bị vào, thêm rau câu sữa dừa cùng pudding xoài rồi rưới nước cốt dừa và cho hạt é lên trên nữa là hoàn thành rồi.

2. Chè trôi nước ngũ sắc

Hình thực phẩm và trong nhà
Sponsor
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Nguyên liệu nấu chè trôi nước ngũ sắc:

  • Bột nếp 500 gr
  • Đậu xanh 500 gr (không vỏ)
  • Nước cốt dừa 550 ml
  • Khoai lang trắng 1 củ (khoảng 200gr)
  • Nước cốt lá dứa 2 muỗng canh
  • Nước cốt củ dền 2 muỗng canh (hoặc nước cốt lá cẩm)
  • Nước cốt dành dành 2 muỗng canh(hoặc nước cốt nghệ tươi)
  • Nước cốt gấc 2 muỗng canh
  • Gừng 1 nhánh
  • Mè trắng rang 1 ít
  • Bột bắp 1 muỗng cà phê
  • Đường phèn 250 gr
  • Muối 1 ít

Cách nấu chè trôi nước ngũ sắc:

1. Sơ chế nguyên liệu

Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt khoanh. Tiếp đến cho khoai vào xửng hấp, hấp khoảng 15 phút tính từ lúc nước sôi. Sau khi khoai chín mềm, bạn lấy khoai ra tô, dùng nĩa tán nhuyễn mịn.

Đậu xanh mua về, đãi sạch, ngâm ngập trong nước ấm khoảng 2 giờ cho đậu xanh mềm rồi vớt đậu ra rổ, để ráo.

Gừng bạn gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng rồi cắt sợi.

2. Trộn bột bánh

Tán khoai xong bạn thêm vào 500gr bột nếp, dùng tay trộn cho khoai và bột nếp hòa quyện thật đều với nhau.

Tiếp đến bạn cho vào từ từ 100ml nước sôi, vừa cho nước sôi vừa nhào trộn để bột quyện thành khối, dẻo mịn, chia thành 5 phần bột bằng nhau.

3. Làm màu ngũ sắc

Cho lần lượt mỗi phần bột trộn riêng với nước cốt củ dền, nước cốt lá dứa, nước cốt dành dành, nước cốt gấc, nhào đều.

Còn 1 phần bạn để màu tự nhiên của bột.

4. Làm nhân đậu xanh

Cho đậu xanh vào nồi, bắc lên bếp mở lửa vừa, thêm 250ml nước cốt dừa, 30gr đường phèn, 1/2 muỗng cà phê muối.

Đổ thêm nước lọc sao cho xấp mặt đậu, nấu sôi rồi chỉnh lửa nhỏ, đậy nắp nấu thêm khoảng 20 phút cho tới khi thấy đậu cạn nước là được.

Bạn dùng chày giã nhuyễn đậu, rồi lấy 1 muỗng canh đậu vo viên tròn làm nhân.

5. Tạo hình

Bạn lấy 1 muỗng canh bột vo viên tròn, ấn hơi dẹp ra rồi lấy 1 viên nhân đậu xanh đặt vào giữa miếng bột. Túm bột lại để bột bao lấy nhân đậu xanh, vo tròn. Bạn làm lần lượt cho hết nguyên liệu.

6. Luộc viên chè

Đun sôi nồi nước trên lửa vừa rồi thả các viên chè vào, luộc khoảng 15 phút đến khi viên chè chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, bạn vớt các viên chè ra, thả vào tô nước lạnh, ngâm các viên chè khoảng 5 phút rồi vớt ra rổ, để ráo.

7. Nấu nước cốt dừa, nước đường và hoàn thành

Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, thêm 300ml nước cốt dừa, 20gr đường phèn, 1/3 muỗng cà phê muối, khuấy cho tan đường.

Đợi nước sôi bạn vừa cho 15ml nước bột bắp (1 muỗng cà phê bột bắp pha với 2 muỗng cà phê nước) vừa khuấy đều, thấy nước sền sệt lại thì tắt bếp.

Bắc nồi lên bếp mở lửa vừa, thêm 500ml nước cùng 200gr đường phèn, 1/2 muỗng cà phê muối, gừng, nấu khoảng 2 – 3 phút cho đường tan.

Tiếp đó bạn cho các viên chè vào nấu cùng thêm 3 phút, nêm nếm lại cho vừa ăn, tắt bếp.

Múc chè ra chén, rắc thêm mè trắng rang, chan thêm 1 ít nước cốt dừa là có thể thưởng thức.

3. Chè đậu đỏ sương sáo

Nguyên liệu nấu chè đậu đỏ sương sáo:

  • Đậu đỏ 200 gr
  • Bột năng 100 gr
  • Bột sương sáo 50 gr
  • Củ năng 200 gr (cắt hạt lựu)
  • Nước cốt dừa 100 ml
  • Lá dứa 5 lá
  • Sữa đặc 50 gr
  • Sữa tươi không đường 220 ml
  • Đường phèn 200 gr
  • Đường trắng 120 gr
  • Dừa nạo sợi 1 ít
  • Đá bào 1 ít

Cách nấu chè đậu đỏ sương sáo:

1. Ngâm đậu đỏ

Ngâm đậu đỏ qua đêm cùng 1 lít nước cho mềm, sau đó rửa sạch lại và để ráo nước.

2. Nấu chè đậu đỏ

Bắc nồi lên bếp, cho vào phần đậu đỏ đã ngâm, 2 lít nước, đậy nắp và nấu trên lửa nhỏ vừa 90 phút cho hạt đậu nở mềm.

Sau 90 phút, bạn cho vào thêm 200gr đường phèn, 5 cọng lá dứa, đậy nắp kín và tiếp tục nấu thêm 30 phút nữa.

3. Làm thạch sương sáo

Cho vào tô 50gr bột sương sáo, 120gr đường trắng, 1 lít nước, khuấy đều đến khi đường tan và ngâm 10 phút.

Tiếp theo, bắc nồi mới lên bếp, cho hỗn hợp sương sáo vào rồi khuấy đều trên lửa nhỏ vừa đến khi hỗn hợp sôi, sệt lại thì tắt bếp.

Kế tiếp, đổ hỗn hợp thạch ra khuôn và để nguội cho đông lại. Sau đó, dùng dao cắt thạch thành nhiều miếng nhỏ vừa ăn.

4. Làm thạch củ năng

Cho 200gr củ năng đã cắt hạt lựu vào tô mới cùng 100gr bột năng rồi trộn cho củ năng áo đều bột.

Kế đến, lọc hỗn hợp vừa trộn qua rây để loại bỏ phần bột năng dư.

5. Luộc và ngâm thạch củ năng

Nấu sôi 1 nồi nước, cho thạch củ năng vào luộc trên lửa vừa khoảng 2 phút đến khi thạch nổi lên mặt nước là chín. Sau đó, vớt thạch ra tô nước đá làm nguội rồi để ráo nước.

6. Làm sữa dừa

Bắc nồi lên bếp, cho vào 220ml sữa tươi không đường, 100ml nước cốt dừa, 50gr sữa đặc. Khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện và nấu sôi.

7. Làm chè đậu đỏ sương sáo

Cho vào chén 1 ít đá bào, chè đậu đỏ, thạch củ năng, thạch sương sáo, dừa nạo sợi. Cuối cùng, rưới đều lên mặt 1 ít sữa dừa là có thể thưởng thức.

4. Chè khoai môn nếp lá dứa

Nguyên liệu nấu chè khoai môn nếp lá dứa

  • Khoai môn 200 gr
  • Lá dứa 8 lá
  • Nếp ngỗng 250 gr
  • Nước cốt dừa dão 130 ml
  • Nước cốt dừa 250 gr
  • Đường 200 gr
  • Muối 1.5 muỗng cà phê
  • Nước 500 ml

Cách nấu chè khoai môn nếp lá dứa:

1. Xay là dứa và ngâm nếp

Bạn đem lá dứa đi rửa sạch, rồi lấy 5 lá dứa đi cắt khúc, sau đó cho vào máy xay nhuyễn cùng với 500ml nước.

Vo sạch 250gr nếp ngỗng, sau đó cho vào bát lớn. Dùng rây để lọc lấy nước lá dứa rồi đem ngâm với nếp trong vòng 30 phút.

2. Sơ chế khoai môn

Khoai môn đem gọt sạch vỏ, cắt khối nhỏ khoảng 1cm, sau đó đem đi ngâm với nước muối pha loãng trong 15 phút rồi vớt ra rửa sạch lại và để ráo.

Cho khoai vào nồi hấp trong vòng 20 phút rồi để nguội.

3. Nấu chè

Cho phần nếp ngâm lá dứa vào nồi, đổ thêm vào 130ml nước cốt dừa dão. Nấu bằng lửa nhỏ cho đến khi thấy nếp đã nở thì cho thêm vào 170gr đường, 1 muỗng cà phê muối, đảo đều và nấu thêm 5 phút.

Cho phần khoai đã hấp chín vào, nấu thêm 15 phút nữa là có thể tắt bếp.

4. Nấu nước cốt

Cho 250gr nước cốt dừa nhất vào nồi, thêm vào 3 lá dứa, 1/2 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê đường, nấu đến khi nước cốt sánh lại.

Vậy là chỉ cần múc chè ra chén và rưới nước cốt lên là chúng ta đã có ngay một chén chè khoai môn nếp lá dứa cực ngon miệng rồi.

5. Thành phẩm

Chén chè có màu xanh bắt mắt của lá dứa và màu trắng sữa của nước cốt dừa. Các hạt nếp dẻo thơm nhưng không bị nát. Vị chè có độ ngọt vừa phải, kết hợp với khoai môn béo ngậy thật là không thể cưỡng lại.

Bạn có thể cho vào thêm một ít đá lạnh để có một món chè thanh mát trong ngày hè nhé!

5. Chè bột lọc hoa đậu biếc

Nguyên liệu nấu chè bột lọc hoa đậu biếc:

  • Bột năng 200 gr
  • Đường phèn 120 gr
  • Đường cát 4 muỗng cà phê
  • Dừa 1/2 trái
  • Dừa non 100 gr
  • Nước cốt dừa 300 ml
  • Hoa đậu biếc 10 gr (tươi hoặc khô)
  • Lá dứa 50 gr

Cách nấu chè bột lọc hoa đậu biếc:

1. Pha bột lọc

Chia bột năng ra thành 2 phần, một phần 120 gram để nặn bột lọc có màu, một phần 80 gram để nặn bột lọc màu trắng tự nhiên. Sau đó, cho vào mỗi phần bột 2 muỗng cà phê đường cát.

Đun sôi nước, cho từ từ 80ml nước sôi vào phần bột 80 gram, trộn đều tay và để nguội. Lưu ý căn chỉnh lượng nước phù hợp để bột không quá nhão.

Cho hoa đậu biếc vào 120ml nước sôi , chờ khoảng 5 phút cho hoa ra hết màu (lưu ý không tắt bếp), dùng rây lọc lấy nước cốt hoa đậu biếc. Sau đó cho từ từ phần nước cốt hoa đậu biếc vào phần bột 120 gram còn lại, trộn đều tay và để nguội.

2. Nhào bột và cắt sợi dừa

Sau khoảng 5 phút để bột nguội bớt, bắt đầu nhào bột từ từ cho đến khi bột dẻo và mịn là được.

Dừa non cắt sợi, nên cắt theo chiều nghiêng để sợi dừa mỏng, dễ thấm vị và ăn ngon hơn.

3. Cắt cục, đem luộc

Se bột thành từng sợi dài và dùng dao cắt thành từng viên bột vừa ăn.

Đun nước thật sôi với lửa to (hoặc nhiệt độ cao), lần lượt theo thứ tự cho viên bột trắng vào đợi khoảng 3 phút cho bột trắng chín dần thì mới cho viên bột xanh vào.

Khi bột lọc nở đều và nổi trên mặt nước thì giảm lửa nhỏ lại (hoặc hạ thấp nhiệt độ xuống), tiếp tục luộc từ 10 – 15 phút cho bột chín và mềm, ăn sẽ ngon hơn.

Khi bột chín, bột sẽ dần chìm xuống đáy nồi. Dùng rây vớt hết viên bột ra, sau đó cho vào ngâm trong một thau nước nguội 10 phút rồi lấy ra để ráo nước.

4. Nấu chè

Cho hỗn hợp đường phèn, 300ml nước lọc, lá dứa vào nồi, đun và khuấy đều trong vòng 5 phút đến khi đường tan hết.

Cho tiếp 300ml nước cốt dừa vào, nấu tiếp 5 phút nữa đến khi nước sôi rồi vớt lá dứa ra.

Tiếp đến, lần lượt cho bột lọc, dừa non cắt sợi vào hỗn hợp nước cốt dừa lá dứa, khuấy đều trong 3 – 5 phút cho bột chín đều và dừa non thấm vị thì tắt bếp và để nguội.

5. Hoàn thành

Múc chè vào nửa quả dừa đã chuẩn bị sẵn và bắt đầu thưởng thức, bạn có thể cho thêm chút đá viên nếu thích ăn lạnh.

Viên bột lọc dai dai, màu sắc bắt mắt ăn kèm vị nước cốt dừa béo ngọt thơm mùi lá dứa và dừa non giòn sần sật thơm ngon ăn là ghiền ngay đấy!

6. Chè trôi nước gấc nhân sầu riêng

Nguyên liệu làm chè trôi nước gấc nhân sầu riêng:

  • Nếp sáp 1.5 kg
  • Đậu xanh không vỏ 400 gr
  • Sầu riêng 200 gr (2 múi)
  • Gấc 1 trái
  • Dừa nạo 200 gr
  • Gừng 50 gr (1 củ)
  • Mè rang 1 ít
  • Rượu trắng 1 muỗng canh
  • Đường 560 gr
  • Muối 1 ít

Cách nấu chè trôi nước gấc nhân sầu riêng:

1. Chuẩn bị nếp

Lấy 1 cái thau ngâm 1.5kg nếp sáp cùng 1 lít nước từ 6 – 8 tiếng.

Sau đó lấy máy xay sinh tố cho hỗn hợp nếp đã ngâm vào xay ở mức cao đến khi nhuyễn rồi cho vào túi vải sạch treo lên hoặc để lên một cái rổ cao 4 – 5 tiếng đợi cho bột ráo hẳn.

2. Chuẩn bị nước cốt và nấu đậu

Lấy 1 cái thau khác đem 200gr dừa nạo cùng 150ml nước ấm tiến hành vắt lấy nước cốt cho vào nồi có chứa 400gr đậu xanh không vỏ. Cứ tiếp tục vắt nước cốt thêm 2 – 3 lần nữa đến khi sâm sấp mặt đậu là được.

Sau đó bắt nồi đậu lên bếp với lửa vừa nấu đậu trong vòng 15 – 20 phút. Nước cốt cạn dần thì giảm xuống lửa nhỏ thêm 5 phút rồi tắt bếp.

3. Làm nhân đậu sầu riêng

Cũng với nồi đậu xanh, bạn tán nhuyễn đậu rồi cho 4 muỗng canh đường cùng phần thịt của 200gr sầu riêng (2 múi) tiến hành đảo đều hỗn hợp lên với nhau rồi đem vo viên vừa ăn.

4. Lấy màu gấc

Lấy trái gấc cắt đôi dùng muỗng tách phần thịt bên trong ra. Sau đó bỏ hạt đem thịt gấc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn ở mức vừa rồi cho ra dĩa cùng 1 muỗng canh rượu trắng trộn đều lên.

5. Trộn bột

Khi bột đã khô bạn chia làm 2 phần để tiến hành trộn bột. Với phần đầu tiên thêm 100ml nước ấm còn phần thứ 2 cho phần nước gấc vào.

Sau đó dùng tay nhào cả 2 khối bột đến khi thấy mịn dẻo không còn dính tay nữa là được.

6. Nấu nước đường

Gừng mua về cạo vỏ cắt sợi. Sau đó bắc 1 cái nồi khác lên bếp với số đường còn lại, 500ml nước và 1 ít muối nấu với lửa nhỏ 10 phút. Thấy đường tan cho nốt 50gr gừng đã cắt vào nấu thêm 10 phút.

7. Tạo hình chè

Lấy 1 lượng bột vừa phải dàn mỏng ra rồi cho nhân sầu riêng vào giữa tiến hành vo viên lại. Cứ như vậy cho đến khi hết hoàn toàn bột và nhân nhé.

8. Luộc chè

Bắc 1 nồi khác lên bếp cùng 1 lít nước với lửa vừa. Nước sôi cho chè vào luộc 10 – 15 phút. Thấy chè nổi lên trên mặt nước thì vớt ra cho qua nồi nước đường nấu thêm 10 phút nữa là dùng được rồi nhé.

9. Thành phẩm

Múc viên chè trôi nước ra chén, rắc thêm 1 ít mè và gừng vậy là bạn đã thưởng thức được cùng cả gia đình rồi đấy.

Món chè trôi nước gấc nhân sầu riêng có 1 màu sắc thật bắt mắt và cuốn hút. Lớp vỏ thì dai dai, phần nhân thì thơm mùi đậu xanh và sầu riêng thật khó cưỡng. Còn chần chừ gì nữa mà hãy dùng ngay thành phẩm của mình đi nhé.

7. Chè chuối chưng khoai mì

Nguyên liệu nấu chè chuối chưng khoai mì:

  • Chuối 8 quả
  • Khoai mì 2 củ (500gr)
  • Lá dứa 2 nhánh
  • Bột báng 50 gr
  • Bột khoai 50 gr
  • Bột năng 1/2 muỗng canh
  • Đường 100 gr
  • Đường thốt nốt 100 gr
  • Nước cốt dừa 1.5 lít
  • Rượu gạo 1 muỗng canh
  • Đậu phộng rang 1 muỗng cà phê
  • Muối 1 ít

Cách nấu chè chuối chưng khoai mì:

1. Sơ chế nguyên liệu

Hòa tan 1 muỗng canh muối trong nước, sau đó lột vỏ chuối rồi cho chuối ngâm trong nước muối loãng vừa pha tầm 5 phút thì vớt ra để ráo.

Khoai mì bạn lột vỏ rồi cũng ngâm với nước được pha loãng với 1/2 muỗng canh muối trong 1 tiếng. Sau đó vớt ra xả lại với nước lạnh rồi xắt thành những miếng dày khoảng 2 lóng tay.

Bột khoai và bột báng bạn cũng đem đi ngâm với nước trong khoảng 30 phút.

Bột khoai và bột báng sau khi ngâm xong bạn đem đi luộc với nước sôi cho đến khi bột báng, bột khoai bắt đầu trong lại, nổi lên thì vớt ra ngâm trong nước lạnh để không bị dính vào nhau.

2. Xào chuối với đường

Chuối sau khi ngâm bạn vớt ra, bạn cho vào chuối 100gr đường, 1 muỗng canh rượu gạo trộn đều lên và ướp chuối trong 1 tiếng.

Chuối sau khi ướp xong bạn tiến hành xào chuối. Khi xào, bạn dùng lửa nhỏ và nhẹ nhàng đảo để chuối không cháy và bị nát nhé. Xào đến khi đường tan hẳn, ngấm đều vào chuối là được.

3. Nấu khoai mì với nước cốt dừa

Chuẩn bị 1 lít nước cốt dừa đổ vào nồi rồi cho khoai mì vào, sau đó cho thêm 2 nhánh lá dứa và 1/2 muỗng cà phê muối.

Bạn đậy nắp và đem đi nấu trên lửa vừa đến cho khoai mì bắt đầu trong lại thì bạn hạ nhỏ lửa rồi cho chuối đã xào và 100gr đường thốt nốt vào nấu trên lửa nhỏ.

Nấu thêm khoảng 5 phút thì bạn vớt lá dứa ra. Sau đó, hòa tan 1/2 muỗng canh bột năng với 1 muỗng canh nước xong cho vào nồi chè và khuấy theo 1 chiều cho đến khi chè sánh mịn.

Tiếp theo, bạn cho bột khoai và bột báng vào nồi chè đảo đều. Sau cùng bạn thêm 500ml nước cốt dừa nữa rồi tiếp tục nấu trên lửa nhỏ cho đến khi nồi chè sôi lăn tăn thì tắt bếp.

4. Hoàn thành

Cuối cùng, bạn cho chè chuối ra chén rồi rắc lên trên 1 muỗng cà phê đậu phộng rang là có thể thưởng thức được rồi.

8. Chè hạt sen thanh long đỏ

Hình thực phẩm và trong nhà

Nguyên liệu nấu chè hạt sen thanh long đỏ:

  • Hạt sen tươi 500 gr
  • Thanh long ruột đỏ 1 trái
  • Đường phèn 200 gr
  • Đường cát 100 gr
  • Lá dứa tươi 100 gr

Cách nấu nấu chè hạt sen thanh long đỏ

1. Sơ chế nguyên liệu

Hạt sen tươi lấy tim sen ra, rửa sạch để ráo.

Lá dứa rửa sạch, lấy 1 lá cột tất cả các lá khác lại thành bó.

Thanh long ruột đỏ lột vỏ, cắt nhỏ hình khối vuông cỡ 1cm, rồi ướp thanh long với đường cát.

2. Luộc hạt sen

Cho hạt sen cùng lá dứa vào nồi rồi cho lượng nước lọc vừa đủ vào (1,5 – 2 lít nước tùy thích). Cho nồi hạt sen lên bếp nấu tầm 30 – 40p đến khi hạt sen mềm là được.

3. Nấu chè

Khi hạt sen chín mềm, bạn cho đường phèn vào khuấy đều cho đường tan hết, sau đó bạn gắp lá dứa và thanh long ướp đường vào nấu.

Khi nồi chè sôi lên, nước trong nồi chuyển màu hồng sẫm, thanh long đỏ và hạt sen mềm tơi thì bạn tắt bếp và chuẩn bị thưởng thức.

4. Thành phẩm

Chè hạt sen thanh long đỏ đẹp mắt, thơm mát, hấp dẫn với vị ngọt ngào của thanh long và đường phèn, kết hợp hoàn hảo cùng vị bùi ngậy của hạt sen. Món chè này vô cùng lý tưởng để dùng cho những ngày nắng nóng đấy!

9. Chè sương sáo nước cốt dừa

Nguyên liệu nấu chè sương sáo nước cốt dừa:

  • Bột sương sáo đen 50 gr
  • Bột sương sáo trắng 50 gr
  • Đường 150 gr
  • Nước 1 lít
  • Nước cốt dừa 400 ml
  • Sữa đặc 50 ml
  • Hạt é 10 gr
  • Sữa tươi không đường 150 ml

Cách nấu chè sương sáo nước cốt dừa

1. Làm thạch sương sáo

Trộn đều 50 g bột sương sáo đen và 50 g đường lại với nhau. Sau đó cho vào 1 lít nước và nấu tới khi đặc lại. Lưu ý vừa nấu vừa khuấy đều để sương sáo không bị cháy.

Nấu xong, đổ sương sáo ra hộp cho nguội bớt rồi đem bỏ vào ngăn mát. Bạn làm tương tự cho phần sương sáo trắng (50 g sương sáo trắng nấu với 1 lít nước và 50 g đường).

2. Nấu cốt dừa

Cho 400 ml nước cốt dừa cùng 150 ml sữa tươi không đường, 50 ml sữa đặc vào nồi khuấy đều và nấu sôi.

Hoà tan 300 ml nước lọc với 50 g đường, sau đó ngâm 2 muỗng canh hạt é vào tới khi nở mềm.

3. Thành phẩm

Thạch sương sáo dai dai, giòn giòn, mát lạnh kết hợp với nước cốt dừa thơm tho béo ngậy và hạt é là món tráng miệng chuẩn vị cho cả nhà!

10. Chè bơ viên nước cốt dừa

Nguyên liệu làm chè bơ viên nước cốt dừa:

  • Bơ 1 trái
  • Bột nếp 300 gr
  • Bột năng 100 gr
  • Nước cốt dừa 250 ml
  • Nước dừa 250 ml
  • Lá dứa 1 nhánh
  • Đường thốt nốt 50 gr
  • Đường 40 gr
  • Cơm dừa 1 ít (dùng ăn kèm)
  • Muối 2 gr
  • Đá viên 1 ít

Cách thực hiện:

1. Trộn và nhồi bột bơ viên

Cho vào tô lần lượt 350gr bột nếp, 100gr bột năng và 40gr đường rồi trộn đều.

Sau đó, bạn bóc vỏ và bỏ hạt 1 trái bơ, lọc lấy phần thịt bên trong rồi cho vào tô bột và dùng tay bóp nát và trộn cho bơ lẫn vào với bột.

Rót từ từ khoảng 50ml nước nóng vào tô bột, tiếp tục dùng tay nhào cho đến khi bột dẻo mịn thành 1 khối thống nhất.

2. Nặn và luộc bơ viên

Dùng tay ngắt từng viên bột nhỏ vừa ăn và vo cho tròn đẹp, bạn thực hiện tương tự đến khi hết số bột.

Tiếp đến bạn bắc 1 nồi nước lên bếp, đun cho sôi rồi thả các viên bột vào.

Luộc đến khi các viên bột bơ trong lại nổi lên nghĩa là đã chín, bạn vớt các viên bơ ra rồi thả ngay vào 1 tô nước đá ngâm để bơ không dính nhau và có độ dẻo dai.

3. Nấu nước cốt dừa và hoàn thành

Ở 1 cái nồi khác, cho vào 250ml nước dừa, 250ml nước cốt dừa, 50gr đường thốt nốt, 2gr muối rồi thả 1 nhánh lá dứa vào khuấy đều. Đun hỗn hợp với lửa vừa cho đến khi sôi thì tắt bếp.

Bạn múc bơ viên ra chén, chan vào nước cốt dừa vừa nấu, trang trí bên trên bằng 1 ít cơm dừa nữa là có thể thưởng thức được rồi.

Xem thêm bài viết:

Bài này có hay không bạn?
Có 3 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Share.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
wpDiscuz