Bánh ú nước tro là món ăn yêu thích của mọi lứa tuổi nhờ vào hương vị thơm ngon. Hãy cùng YeuAmThuc.org tìm hiểu cách làm bánh ú nước tro nhé!
Bánh ú nước tro – món bánh đặc trưng trong ẩm thực truyền thống Việt Nam
Bánh ú nước tro (bánh tro, bánh ú tro hay bánh nẳng) là một món ăn quen thuộc không thể nào thiếu để cúng tổ tiên vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) của người Việt Nam.
Sự kết hợp tinh tế giữa vị dẻo thơm của nếp hòa quyện với đỗ xanh bùi và mùi thơm đặc trưng của nước tro đã tạo nên những cái bánh ú tro có hương vị thật đặc sắc, khiến cho người ăn khó mà cưỡng lại được.
Nguyên liệu làm bánh ú nước tro
- 500g gạo nếp
- ½ bát con đỗ xanh đã xát vỏ
- Đường, muối, nước tro
- Lá tre (có thể dùng lá của cây tre bương)
- Dây lạt hoặc sợi dây thừng nhỏ dùng trong gói thực phẩm
Tùy theo khẩu vị và số lượng người ăn mà có thể linh hoạt điều chỉnh khối lượng nguyên liệu.
Cách làm bánh ú nước tro
Sơ chế nguyên liệu
- Gạo nếp đãi nhiều lần qua nước cho thật sạch.
- Ngâm vào thâu nước lạnh có hòa một ít muối, ngâm tầm 5 – 6 tiếng đến một đêm (tùy thuộc vào điều kiện khí hậu từng vùng mà điều chỉnh thời gian), sau đó đãi lại cho sạch.
- Đỗ xanh đãi sạch vỏ và rửa, ngâm 1 -2 tiếng trước khi gói bánh.
- Lấy một thìa canh nước tro (đã mua sẵn) đem hòa với 1 lít nước lọc.
- Sau 5 -6 tiếng ngâm gạo nếp, chắt nước đổ đi, đổ nước tro đã pha với nước lọc vào gạo nếp ngâm tiếp đến 20 – 22 tiếng trước khi gói bánh (mực nước phải ngập mặt gạo nếp).
- Khi ngâm, bạn có thể lấy một vài hạt gạo nếp đang ngâm, dùng tay bóp nhẹ. Nếu thấy hạt gạo nếp vỡ ra thì tức là nếp đã ngấm đủ nước tro.
- Sau khi ngâm gạo nếp đủ, bạn hãy xả qua nước thêm lần nữa cho sạch, sau đó xóc với muối và để cho ráo nước.
Thực hiện làm bánh
Bước 1
Đỗ xanh sau khi ngâm xong thì đổ vào nồi, thêm nước lọc (nước ngập mặt đỗ) và luộc chín.
Bước 2
- Khi đỗ đã chín, cho 3 thìa cà phê đường vào và dùng muôi đảo nhanh để hạt đỗ mịn nát ra.
- Đổ đỗ xanh ra chảo, để lửa nhỏ và tiếp tục đảo đều cho đến khi đỗ hơi se khô lại thì tắt bếp và để nguội.
Bước 3
Lá tre rửa thật sạch, sau đó bỏ vào nước sôi, chần qua để cho lá mềm và dễ gói hơn.
Bước 4
Sau khi đỗ xanh đã nguội thì vo tròn thành từng viên nhỏ để làm nhân của bánh ú nước tro.
Bước 5
- Chuẩn bị gạo và đỗ xanh (đã được sơ chế trước đó) để thực hiện gói bánh.
- Xếp hai lá tre chồng lên nhau sao cho hơi lệch nhau một chút. Sau đó cuộn thành hình cái phễu, phía dưới đuôi lá phải thật kín để gạo không chảy ra ngoài.
Bước 6
Sau khi gói lá thành hình cái phễu thì cho khoảng hai muỗng gạo nếp vào trước, tiếp đến là nhân đỗ xanh, rồi lại múc thêm một lần gạo nếp nữa vào sao cho che kín được nhân, lấy muỗng nén thật chặt.
Bước 7
- Gấp phần lá còn lại thật kín và dùng dây lạt (hoặc dây thừng) buộc chặt lại.
- Tiếp tục làm cho đến khi hết nguyên liệu. Sau đó dùng sợi dây dài buộc thành chùm khoảng 5 – 8 cái.
Bước 8
- Sử dụng cái nồi đủ to để luộc số bánh mà bạn đã gói.
- Cho nước ngập mặt bánh (mực nước cao hơn mặt bánh một gang tay), chờ đến khi nước sôi thì bỏ bánh vào để luộc chín.
- Luộc tầm 1.5 – 2 tiếng (tùy vào kích thước bánh mà bạn gói to hay nhỏ). Khi bánh chín thì xả lại bằng nước lạnh và phơi ở chỗ thoáng mát để ráo nước.
Lưu ý trong cách làm bánh ú nước tro
- Bánh ú nước tro khi hoàn thiện thì hạt gạo nếp trong, ăn dẻo và bùi bùi, có vị ngọt của đỗ xanh, có thể chấm thêm với đường hoặc mật ong mà ăn kèm.
- Độ ngọt của nhân đỗ xanh tùy vào khẩu vị của bạn và gia đình mà điều chỉnh cho phù hợp.
- Khi nước cạn bạn phải châm thêm nước nóng vào, tránh thêm nước lọc vì phần gạo nếp sẽ bị sượng.
Vậy là các bạn đã hoàn thành xong món bánh ú nước tro rồi đấy! Mặc dù phải bỏ nhiều công sức và thời gian nhưng bù lại các bạn đã có một món bánh đảm bảo chất lượng và vệ sinh, cung cấp nhiều chất bổ dưỡng như canxi, kali,… cho những người thân trong gia đình và cũng rất ngon miệng. Chúc các bạn có được những chiếc bánh ú tro thật ngon với cách làm bánh ú trên đây nhé!